| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Mỹ muốn giành lại thị trường châu Phi

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến công du châu Phi nhằm tìm kiếm khả năng làm ăn lớn hơn cho nước này tại lục địa đen.

 

 

Hôm 12/6 vừa qua, bà Clinton đã tham dự Diễn đàn về Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng cho châu Phi (AGOA) tại Zambia. Năm nay, có khoảng 1600 quan chức và chủ doanh nghiệp của 31 nước tới tham dự diễn đàn này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Zambia kể từ năm 1976, điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ đối với các nền kinh tế châu Phi. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết những nền kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong những năm tới.

Năm ngoái, 6 trong số 10 nền kinh tế năng động nhất nằm ở châu Phi và theo Ngân hàng phát triển châu Phi (BAD), tại châu lục địa đen đang nổi lên một tầng lớp trung lưu với tổng số dân trên 300 triệu người.

AGOA được Quốc hội Mỹ thông qua cách đây 11 năm, quy định 6.500 mặt hàng từ châu Phi sẽ không bị đánh thuế khi xuất sang nước này. Tuy nhiên, theo bà Clinton “Vẫn chỉ có vài nước thật sự tận dụng AGOA. Đạo luật này cho phép các quốc gia châu Phi xuất khẩu miễn thuế tới 6.500 loại hàng sang Mỹ nhưng đến nay xuất khẩu phổ biến nhất vẫn là dầu thô”. Năm ngoái, trị giá các mặt hàng phù hợp với AGOA được xuất sang Mỹ là 44 tỉ USD nhưng cả 40 tỉ USD trong số này là các sản phẩm liên quan đến dầu lửa chủ yếu đến từ Nigeria và Angola. Xuất khẩu của châu Phi sang Mỹ đã tăng gấp hơn 10 lần kể từ khi luật có hiệu lực năm 2010. Một số sản phẩm chế tạo xuất sang Mỹ cũng có kim ngạch tăng nhưng chủ yếu đến từ Nam Phi.

Các cuộc thảo luận lần này nhằm tìm ra các phương thức kích thích xuất khẩu quần áo, giày dép, nông sản chế biến và các sản phẩm khác sản xuất trong khu vực.

Đạo luật AGOA của Mỹ cho phép 37 nước châu Phi xuất khẩu sang Mỹ không phải trả thuế kể từ năm 2000 đến năm 2015, nếu các nước này tôn trọng những tiêu chuẩn cơ bản về dân chủ và tự do thị trường. Một nhóm các nước như Somalie, Soudan và Zimbabwe bị loại khỏi danh sách hưởng lợi do có những xung đột, đảo chính hoặc rối loạn chính trị.

Trong khi đó, Trung Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại nhiều quốc gia châu Phi. Năm ngoái, kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi tăng hơn 40%, đạt 126,9 tỉ USD trong khi thương mại giữa Mỹ và châu Phi chỉ tăng 18%. Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết cơn khát năng lượng, nguyên vật liệu và việc làm để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh trong nước. Vì thế, nước này đổ tiền vào châu Phi, lục địa vốn dồi dào đất đai và khoáng sản. Các nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng nhà xưởng, khai mỏ và hỗ trợ xây dựng sân vận động, đường sá, đập và các cơ sở hạ tầng khác.

Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều quan ngại và cả phản đối đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh ở châu lục này. Các hợp đồng xuất nhập khẩu giữa hai bên chủ yếu liên quan đến việc châu Phi xuất nguyên liệu thô sang Trung Quốc và nhập ngược lại thành phẩm. Bên cạnh đó, hầu như giới chủ Trung Quốc chỉ sử dụng nhân công của họ.

Nhưng trớ trêu thay, một quy định trong đạo luật Agoa lại cho phép nhiều nước châu Phi được xuất khẩu quần áo làm từ vải nhập khẩu. Chính điều này đã góp phần gia tăng số lượng các nhà máy Trung Quốc đặt tại một số nước châu Phi như Swaziland để hưởng những ưu đãi về xuất xứ.

 Hoàng Đức Nhuận

 

 

Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á

Nội dung liên quan