Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu gạo, tổng lượng gạo xuất khẩu đạt 3,17 triệu tấn, mang lại 2,04 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 33,5 về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 642,7 USD/tấn, tăng 22% so với mức giá trung bình của năm trước. Giá trung bình của gạo xuất khẩu trong giai đoạn này là 527,4 USD/tấn. Các thị trường chủ lực của gạo Việt Nam bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 47% lượng gạo xuất khẩu và 45,9% giá trị kim ngạch.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm trong giai đoạn 2014 - 2024
(Số liệu từ Tổng cục Hải quan)
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tình xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2024 không chỉ tăng về số lượng, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.
Sản phẩm gạo thơm đạt 530 - 540 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Về cơ cấu chủng loại, hiện nay gạo trắng phổ thông chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp, cũng như gạo tăng cường chất vi lượng tăng nhanh, ví dụ như gạo thơm xuất khẩu chiếm hơn 25% trữ lượng gạo. Đây cũng là yếu tố để Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường khó tính, bảo hộ thương mại cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ dự kiến khoảng 525 triệu tấn, tạo ra sự thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Với tình hình khan hiếm nguồn cung và nhu cầu tăng cao, giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục duy trì ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất và xuất khẩu, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thị trường mới nhằm duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. Chính phủ cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích xuất khẩu, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics và thúc đẩy hợp tác quốc tế.