Cổng thông tin VNE cung cấp thông tin thị trường Thái Lan từ ngày 12/9 - 16/9, do Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổng hợp.
Xuất khẩu gạo Thái Lan có khả năng vượt 8 triệu tấn
Xuất khẩu gạo Thái Lan có khả năng vượt 8 triệu tấn năm nay nếu Irag tiếp tục nhập khẩu và Ấn Độ áp dụng hạn chế xuất khẩu và 20% thuế xuất khẩu các loại khác cho đến cuối năm nhằm tăng nguồn cung và bình ổn giá giữa bối cảnh lượng mưa dưới mức trung bình hạn chế sản xuất. Thái Lan hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2022 đạt 4,09 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ.
Triển vọng xuất khẩu của Thái Lan được đánh giá tốt giữa bối cảnh thời tiết thuận lợi và đồng Bạt ở mức thấp nhất trong 16 năm qua so với đồng USD. Thái Lan ghi nhận nhu cầu tăng đối với gạo khi các nước đều đang tìm cách đảm bảo an ninh lương thực và thay thế lúa mỳ và ngô. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan dự báo sản lượng lúa của nước này đạt 26,92 triệu tấn mùa vụ 2022/23, tăng 2,09% so với mùa trước.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua
Báo cáo mới nhất của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) cho thấy Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Thái Lan hiện đạt mức 43,7, mức cao nhất trong 08 tháng qua nhờ việc nới lỏng các biện pháp COVID-19 và nỗ lực thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng.
Những yếu tố thúc đẩy chỉ số niềm tin người tiêu dùng bao gồm kinh tế phục hồi, dịch COVID-19 trong tầm kiểm soát, doanh nghiệp nối lại hoạt động kinh doanh, giá nhiên liệu giảm, du lịch tăng trưởng trở lại, các biện pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ (chiến dịch phúc lợi, thúc đẩy sản xuất) và giá nông sản tăng.
Xuất khẩu sắn Thái Lan tiếp tục tăng
Triển vọng xuất khẩu sắn của Thái Lan dự kiến tiếp tục tăng trong 06 tháng cuối năm 2022 do nhu cầu toàn cầu tăng khi các nhà nhập khẩu tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho ngô - đã tăng giá do xung đột Nga – Ukraine. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo kim ngạch xuất khẩu sắn của Thái Lan sẽ đạt 11 triệu tấn năm 2022, tăng so với kim ngạch 10,4 triệu tấn năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt 130 tỷ Bạt (4,2 tỷ USD), tăng 6% so với năm 2021.
Từ đầu năm đến nay, 70% kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn từ Thái Lan xuất khẩu đến Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu khác bao gồm Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc. Các nước đang nỗ lực kiểm soát lạm phát, nhu cầu hậu đại dịch tăng, thời tiết thay đổi và gần đây nhất là xung đột Nga-Ukraine là những nguyên nhân chính khiến các quốc gia phân bổ hàng tỉ USD vào trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu trong khi các nước khác tập trung tìm kiếm các nhà cung cấp mới và nguồn thực phẩm thay thế.
Thái Lan đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu
Bộ Thương mại Thái Lan cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu trong 06 tháng năm 2022 với mục tiêu nâng cao doanh thu xuất khẩu lên 285 tỷ USD vào cuối năm, tăng 14 tỷ USD so với năm 2021 (271 tỷ USD). Dù đối phó với nhiều thách thức, xuất khẩu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ năm nay với giá trị hàng hóa xuất khẩu thông quan đạt mức 173 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu cũng tăng 21,4% lên 183 tỷ USD khiến thâm hụt thương mại ở mức 9,91 tỷ USD.
Các yếu tố thuận lợi bao gồm đồng Bạt mất giá, giá cước vận tải giảm, số lượng tàu vận chuyển và container dồi dào hơn, xu hướng giảm giá năng lượng toàn cầu giúp hạ giá thành hàng hóa và tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát và tăng lãi suất của nhiều quốc gia và xung đột chính trị có thể gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Thương mại đang có kế hoạch thúc đẩy hợp tác thương mại thông qua các Hiệp định thương mại tự do nhỏ (mini-FTA) với các tỉnh và thành phố ở nước ngoài. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ ký các thỏa thuận mini-FTA với tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc và Thâm Quyến và Vân Nam của Trung Quốc. Trước đó đã ký 5 mini-FTA với thành phố Kofu của Nhật Bản, các tỉnh Hải Nam và Cam Túc của Trung Quốc, bang Telangana của Ấn Độ và Busan của Hàn Quốc.