| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Kinh tế Hy Lạp tiếp tục gặp khó khăn

Giám đốc Ngân hàng Trung ương của Hy Lạp vừa cho biết năm 2012, nền kinh tế Hy Lạp sẽ giảm sâu hơn mức dự kiến ​​5%. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên đời sống của người dân, vốn đã bị tê liệt bởi chính sách thắt lưng buộc bụng và tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục.

Chỉ mới tháng trước, Ngân hàng Trung ương của Hy Lạp còn dự báo nền kinh tế nước này sẽ chỉ sụt giảm 4,5% trong năm nay, sau khi giảm mạnh 6,9% trong năm 2011. Quốc gia này đã nhận được hai gói cứu trợ quốc tế và đang bước vào năm thứ năm liên tiếp của suy thoái kinh tế.
Phát biểu tại đại hội thường niên của Ngân hàng Trung ương, ông George A. Provopoulos, Giám đốc Ngân hàng Trung ương, đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu, kêu gọi chấp hành nghiêm chỉnh các cải cách và tài chính mà Hy Lạp đã cam kết với các đối tác khác trong khu vực đồng tiền chung euro. Ông cho rằng chỉ như vậy Hy Lạp mới có thể đưa nền kinh tế trở lại tăng trưởng bền vững.
Athens đang chịu áp lực phải thắt chặt chính sách tài khóa để nâng cao năng lực tài chính, như là một phần cam kết trong gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro, tương đương 171 tỷ USD, mà nước này nhận từ các quốc gia khu vực đồng tiền chung euro và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tài trợ cho Hy Lạp sẽ được tiếp tục nhằm đáp ứng các mục tiêu điều chỉnh lớn.
Ông Provopoulos cảnh báo rằng, tư cách thành viên khu vực đồng euro của Hy Lạp sẽ bị đe dọa nếu nước này không giữ được các cam kết của mình, đặc biệt là sau cuộc bầu cử vào ngày 6 tháng 5 tới.

"Nếu sau cuộc bầu cử, vẫn xuất hiện nghi ngờ về quyết tâm của Chính phủ mới và việc toàn xã hội thực hiện các chương trình cải cách, những triển vọng thuận lợi hiện nay sẽ bị đảo lộn hoàn toàn" - ông nói.
IMF cho biết bất kỳ ai thắng cử ở Hy Lạp cũng sẽ phải chấp nhận cắt giảm chi tiêu thêm 5,5% (tính trên GDP), tương đương khoảng 11 tỷ euro trong hai năm 2013-2014, và tăng thu ngân sách thêm 3 tỷ euro để có thể được tiếp tục cứu trợ.
Ông Provopoulos cho biết thâm hụt ngân sách đã giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức cao. Năm ngoái, Hy Lạp đã giảm thâm hụt ngân sách được 1,2%, tương đương với 9,1% GDP, và đang hướng đến mục tiêu thâm hụt 6,7% trong năm 2012.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp áp dụng bao gồm: tăng thuế thu nhập và thuế bất động sản, tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm tiền lương và lương hưu, đã giúp Hy Lạp giảm dần thâm hụt ngân sách từ mức kỷ lục 15,6% GDP năm 2009, thời điểm cuộc khủng hoảng nợ nổ ra./.

 

Vụ Thị trường châu Âu

Nội dung liên quan