Hiện nay, Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,7 tỷ USD trong năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Malaysia trong tháng 8 năm 2024 đạt 434,7 triệu USD, tăng 1,1% so với với tháng trước, và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với kim ngạch 8 tháng đạt 406,33 triệu USD, chiếm 11,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Đứng thứ hai là sắt thép các loại, với kim ngạch đạt 395,91 triệu USD, chiếm 11,37% thị phần. Gạo là mặt hàng nông sản đứng thứ 3, với kim ngạch đạt 345,94 triệu USD, tăng 152,93% so với tháng 8 năm 2023.
Nhìn chung, các mặt hàng đều có sự tăng trưởng cao về kim ngạch so với 8 tháng năm 2024, đáng chú ý như hóa chất (kim ngạch 114,83 triệu USD, tăng 140,6%), cà phê (108,64 triệu USD, tăng 118,07%), phân bón các loại (kim ngạch 32,61 triệu USD, tăng 44,95%),…
Malaysia là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, trong đó đạo Hồi chiếm đa số (hơn 60%). Do đó, đối với thị trường này, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn trong các Hiệp định thương mại tự do, hàng hóa xuất khẩu vào Malaysia còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn Halal (tiêu chuẩn riêng cho người tiêu dùng Hồi giáo). Riêng đối với các loại thực phẩm nhập khẩu vào Malaysia, thì Malaysia yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng, ghi rõ hàm lượng đối với những loại thực phẩm bổ sung vitamin hoặc khoáng chất, thành phần các chất dinh dưỡng phải được thể hiện theo tỷ lệ phần trăm như trong bảng tham khảo giá trị dinh dưỡng (NRV) của Codex.