| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

8 tháng đầu năm 2023: tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng trưởng 2 con số

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 28,51 triệu USD, giảm 3,1% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với tháng 7/2023, nhưng tăng 6,5% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với tháng 8/2022.

(Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng)

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 78,73 nghìn tấn, trị giá 218,87 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt mức 3.132 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 7/2023 và tăng 29,3% so với tháng 8/2022.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta sang thị trường Nhật Bản đạt mức 2.780 USD/tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng lên đến 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, tỷ trọng cà phê Robusta trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 66,51% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 69,1% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến cũng tăng từ 23,13% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 24,57%.

Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê Arabica sang Nhật Bản giảm từ 10,36% trong 8 tháng đầu năm 2022 xuống 6,34% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng

(Diễn biến giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Nhật Bản qua các tháng năm 2022 – 2023

(ĐVT: USD/tấn) Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan)

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt xấp xỉ 207,4 nghìn tấn, trị giá 873 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính riêng tháng 7/2023, Nhật Bản nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 34,8 nghìn tấn, trị giá 155,6 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng 7/2022.

7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản giảm nhập khẩu tất cả các chủng loại cà phê. Trong đó, tốc độ nhập khẩu cà phê, trừ cà phê rang và loại bỏ caffein (HS 090111) giảm 19% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 202,2 nghìn tấn, trị giá 799,38 triệu USD. Tỷ trọng cà phê, trừ cà phê rang và loại bỏ caffein trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản chiếm tới 97,5% trong 7 tháng đầu năm 2023.

Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng

(Cơ cấu thị trường cung cấp cà phê cho Nhật Bản (% tính theo lượng)

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế)

7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung lớn, gồm: Việt Nam, Brazil, Colombia, Guatemala, Tanzania.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng đạt trên 65 nghìn tấn, trị giá 152,5 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù vậy, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 27,65% trong 7 tháng đầu năm 2022 lên 31,38% trong 7 tháng đầu năm 2023.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung lớn chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính là do kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Triển vọng cuối năm sẽ khả quan hơn do nhu cầu tăng. Nhật Bản cũng đã tăng nhập khẩu cà phê trở lại ngay trong tháng 7/2023.

Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng

(5 thị trường cung cấp cà phê cho Nhật Bản trong 7 tháng năm 2023

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế)

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng sau Đức, Mỹ, Italia. Để gia tăng xuất khẩu cà phê vào thị trường Nhật Bản, một số lưu ý mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng.

Theo đó, trường hợp thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật là cà phê hạt chưa rang thì thuộc đối tượng kiểm dịch thực phẩm. Cần xuất trình cho Trạm Bảo vệ thực vật quản lý cảng nhập khẩu các giấy tờ cần thiết như: Giấy chứng nhận kiểm tra thực vật do cơ quan kiểm dịch của chính phủ nước xuất khẩu cấp (Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, còn gọi là Phytosanitary Certificate), Hóa đơn (Invoice) cùng với “Đơn xin kiểm tra hàng nhập khẩu thực vật / hàng cấm nhập khẩu”.

Nếu phát hiện ra sâu bệnh thì hàng không đạt tiêu chuẩn. Trong trường hợp đó, nếu có thể khử trùng thì sau khi tiến hành khử trùng sẽ phát hành giấy chứng nhận là hàng đạt tiêu chuẩn, và có thể tiến hành làm thủ tục nhập khẩu theo Luật Vệ sinh thực phẩm.

Trường hợp không cần kiểm dịch thực vật là hạt cà phê rang, vì vậy chỉ cần làm các thủ tục nhập khẩu theo Luật Vệ sinh thực phẩm. Cần nộp cho Trạm kiểm dịch Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Giấy khai báo nhập khẩu thực phẩm, kèm theo Bảng kê thành phần nguyên liệu, Bảng quy trình sản xuất, chế biến và Bảng kê các chất phụ gia. Nếu Trạm kiểm dịch xem xét thẩm tra mà kết quả không có vấn đề gì thì Trạm sẽ đóng dấu “Đã khai báo” vào Giấy khai báo nhập khẩu và có thể tiến hành làm thủ tục thông quan.

Trong Luật Vệ sinh thực phẩm có quy định thông số tiêu chuẩn của dư lượng hóa chất nông nghiệp, coi như quy cách thành phần của cà phê hạt. Lần đầu tiên nhập khẩu cà phê hạt, Trạm kiểm dịch sẽ hướng dẫn người nhập khẩu cách tự kiểm tra về dư lượng hóa chất nông nghiệp, vì thế bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi nhập khẩu về tình hình sử dụng hóa chất nông nghiệp ở nơi sản xuất, đồng thời nên tham vấn ý kiến của Trạm kiểm dịch và các cơ quan kiểm tra mà bạn sẽ đề nghị kiểm tra.

Khi bán cà phê thông thường đựng trong hộp hay bao gói cần bắt buộc ghi nhãn theo Luật Vệ sinh thực phẩm và Tiêu chuẩn nhãn mác chất lượng của Luật JAS. Ngoài ra, cà phê hạt sản xuất theo quy cách hữu cơ JAS của những nhà kinh doanh đã được Cơ quan có thẩm quyền công nhận thì có thể dán nhãn Hữu cơ JAS.

Không thể để nguyên nhãn “organic” của nước ngoài để bán ở Nhật được. Đối với hàng nông sản và thực phẩm chế biến từ nông sản, nếu không phải là hàng đạt quy cách hữu cơ JAS thì không thể dán nhãn “hữu cơ” hay “organic” được.

Theo hệ thống chứng nhận hữu cơ JAS, chỉ những nhà kinh doanh nào nhận được giấy chứng nhận về phương pháp sản xuất hoặc chế biến thì mới được gắn vào hàng thực phẩm nông sản hoặc hàng thực phẩm nông sản chế biến nhãn “Hữu cơ JAS” và cho lưu thông.

Ngoài ra “Quy tắc cạnh tranh bình đẳng cho các nhãn Regular Coffee, Instant Coffee” đã được ban hành như một tiêu chuẩn tự nguyện của giới kinh doanh ngành hàng này.

Báo Công Thương

Nội dung liên quan