Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines là 3 thị trường nhập khẩu mì và sản phẩm từ mì của Việt Nam nhiều nhất.
Cụ thể, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 281 ngàn tấn mì và sản phẩm từ mì, trị giá hơn 92 triệu USD (chiếm 95% tổng sản lượng xuất khẩu mì và sản phẩm từ mì cả nước). Tiếp theo là thị trường Đài Loan với gần 4 ngàn tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD. Xuất khẩu sang Philippines đạt hơn 2,8 ngàn tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD.
Tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 295 ngàn tấn mì và sản phẩm từ mì
Tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 295 ngàn tấn mì và sản phẩm từ mì, trị giá hơn 99,3 triệu USD (giảm 1,3% về sản lượng và giảm 9,3% về trị giá so với tháng 12/2024).
Việt Nam hiện có trên 140 nhà máy chế biến tinh bột mì, với tổng công suất đạt 9,3 triệu tấn/năm. Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng củ mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng củ mì tươi dùng để chế biến sâu (tinh bột, etanol, mì chính...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2 tỷ USD.
Mì (hay còn gọi là khoai mì) là một trong các cây trồng trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; từ cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. Bộ Công Thương đưa mì vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo). Tinh bột mì, mì lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu quan trọng; giá trị, sản lượng chế biến và xuất khẩu tăng trưởng nhanh qua từng năm.
Diện tích mì cả nước dao động từ 520-550 nghìn ha, năng suất đạt từ 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi. Hiện cả nước có trên 140 nhà máy chế biến tinh bột mì, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm; các nhà máy được đầu tư, cập nhật và nâng cao công nghệ chế biến sản phẩm.
Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mì và sản phẩm từ mì lớn thứ 2 thế giới (sau Thái Lan). Trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu mì và sản phẩm từ mì của Việt Nam đều đạt trên 1 tỷ USD.
Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.