| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Đánh giá của EU về rào cản thương mại quốc tế năm 2012

Vừa qua, EC đã công bố Bản báo cáo thứ hai về các rào cản đối với thương mại và đầu tư. Bản báo cáo này trình bày những tiến triển đã đạt được trong việc dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với sáu thị trường đối tác chiến lược về kinh tế gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mercosur, Nga và Hoa Kỳ.

 

Báo cáo ghi nhận những thành công trong việc xóa bỏ một số rào cản thương mại nhất định, ví dụ như với Ấn Độ, nhưng cũng nhấn mạnh là vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp EU khi thâm nhập các thị trường chủ chốt này. Việc tháo gỡ các rào cản thương mại sẽ giúp cải thiện và mở rộng hơn nữa cơ hội đầu tư và xuất khẩu của các doanh nghiệp EU. Cao ủy thương mại Karel De Gucht cho biết: “Với việc chủ nghĩa bảo hộ tồn tại như một mối đe dọa, chúng ta cần phải đảm bảo mở cửa thị trường để tăng trưởng kinh tế và tăng việc làm. Bản báo cáo này cho thấy những nỗ lực trong việc chống lại các rào cản thương mại và đầu tư thiếu công bằng đã có kết quả; tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường chú ý và nỗ lực gấp đôi để đảm bảo duy trì việc mở cửa thị trường được thực hiện khắp thế giới. EU khẳng định cam kết đảm bảo việc mở cửa thị trường của mình”.

Báo cáo Rào cản thương mại và đầu tư năm 2012 đánh giá một số kết quả đạt được trong việc dỡ bỏ 21 rào cản được lựa chọn trong năm 2011 tại Báo cáo đầu tiên như sau:

1. Hai rào cản thương mại được dỡ bỏ hoàn toàn tại Ấn Độ: Hạn chế xuất khẩu bông, các yêu cầu về an toàn - an ninh đối với thiết bị viễn thông.

2. Đạt được các kết quả tích cực trong việc dỡ bỏ các rào cản sau:

+ Tại Trung Quốc: Cải cách trong nước và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô (về vấn đề thứ 2, theo báo cáo của Hội đồng phúc thẩm WTO khẳng định những biện pháp mà Trung Quốc đưa ra không phù hợp với các quy tắc của WTO cũng như những cam kết gia nhập WTO của Trung Quốc IP/12/87);

+ Tại Ấn Độ: Các quy tắc vệ sinh và kiểm dịch động thực vật;

+ Tại Nhật Bản: vấn đề tham gia vào hoạt động mua sắm chính phủ và các yêu cầu pháp lý đối với các thiết bị y tế;

+ Tại Hoa Kỳ: yêu cầu kiểm tra 100% các container và vấn đề Buy American (Người Mỹ dùng hàng Mỹ).

3. Không có tiến triển trong việc xóa bỏ các rào cản sau:

+ Trung Quốc: danh mục đầu tư và an toàn an ninh công nghệ thông tin;

+ Ấn Độ: quy định về mức trần vốn cổ phần;

+ Nhật Bản: Các quy định đối với dịch vụ tài chính;

+ Achentina và Braxin: hạn chế trong vận tải hàng hải và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô;

+ Achentina: giấy phép nhập khẩu;

+ Braxin: 25% mức ưu tiên trong mua sắm chính phủ.

Báo cáo dành một phần riêng cho thông tin về Nga do đặc điểm của quá trình gia nhập WTO, Nga sẽ dần dần xóa bỏ các rào cản mà EU ưu tiên thúc đẩy một cách có chọn lọc (các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại trong lĩnh vực ô tô và phụ tùng ô tô; hoạt động hải quan; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; các vấn đề về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật).

Báo cáo cũng chỉ ra 6 rào cản mới cần ưu tiên xóa bỏ trong thương mại và đầu tư:

+ Trung Quốc: cơ chế rà soát an ninh quốc gia đối với việc sáp nhập và mua lại có liên quan đến đầu tư nước ngoài, xuất khẩu tài chính, và trợ cấp;

+ Ấn Độ: chính sách sản xuất quốc gia;

+ Braxin: thuế đối với sản phẩm công nghiệp và thủ tục nhập khẩu vải dệt và quần áo;

+ Achentina: những hạn chế đối với dịch vụ tái bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Báo cáo này cũng nhấn mạnh những xu hướng mà các nền kinh tế mới nổi áp dụng gần đây trong chính sách công nghiệp với các yếu tố hạn chế nhập khẩu như sau:

+ Yêu cầu tỉ lệ nội địa (ví dụ như chính sách đầu tư và mua sắm chính phủ);

+ Những yêu cầu về đánh giá tính đồng bộ và tiêu chuẩn quá phiền toái nhằm hạn chế hàng hóa nước ngoài;

+ Các biện pháp tác động giống như các biện pháp hạn chế lượng nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu đặc biệt là đối với nguyên liệu thô./.

 

(Nguyễn Thị Thương, Vụ Thị trường châu Âu)

(Theo nguồn tin của Tổng vụ Thương mại, Uỷ ban châu Âu: http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=781)

 

 

Vụ Thị trường châu Âu

Nội dung liên quan