Theo số liệu thống kế của Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 7 tháng năm 2024, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 37,94 nghìn tấn, trị giá 179,54 triệu EUR (tương đương 199,79 triệu USD), tăng 31,6% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân nhập khẩu hạt tiêu của EU từ thị trường ngoại khối đạt mức 5.092 EUR/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của EU tăng từ các nguồn cung: Việt Nam (tăng 13,8%), Bra-xin (tăng 11,8%), Ấn Độ (tăng 0,1%). Ngược lại, giá bình quân nhập khẩu hạt tiêu của EU từ In-đô-nê-xi-a và Xri Lan-ca giảm lần lượt 5% và 13%, xuống còn 5.555 EUR/ tấn và 8.037 EUR/tấn.
Nhìn chung, 7 tháng đầu năm 2024, EU tăng nhập khẩu hạt tiêu từ tất cả các nguồn cung ngoại khối lớn, tốc độ tăng trưởng đều ghi nhận ở mức 2 con số. EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 24,88 nghìn tấn, trị giá 112,5 triệu EUR (tương đương 125,2 triệu USD), tăng 38,9% về lượng và tăng 58,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 62,16% trong 7 tháng đầu năm 2023 lên 65,58% trong 7 tháng đầu năm 2024. Tương tự, 7 tháng đầu năm 2024, EU tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Bra-xin, tăng 19,4% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 6 nghìn tấn, trị giá 23,44 triệu EUR (tương đương trên 26 triệu USD).
Hiện nay, ngành hàng hạt tiêu của Việt Nam vẫn đang chiếm lợi thế tại thị trường EU, nhờ nguồn cung chất lượng, giá cạnh tranh. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị cho hạt tiêu trong thời gian tới, Việt Nam cần hướng đến sản xuất các loại gia vị hữu cơ xuất khẩu, đáp ứng được thị hiếu toàn cầu nói chung, thị trường EU nói riêng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường gia vị hữu cơ thế giới có quy mô khá lớn và đang tăng trưởng 7,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Dự báo đến năm 2026, quy mô thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu là gần 20 tỷ Euro. Tại châu Âu, các quốc gia như Thụy Sỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… là những thị trường nhập khẩu lớn về gia vị. Trong đó, các loại gia vị có chứng nhận tiêu chuẩn bền vững (hữu cơ, Fairtrade, RA) có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường này. Hiện nay, thị phần các loại gia vị và hương liệu được sản xuất bền vững ở châu Âu rất thấp (dưới 1%) nhưng đang tăng lên. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gia vị hữu cơ được dự báo sẽ đặc biệt cao ở Thụy Điển và Anh với mức tăng hơn 5,5%/năm trong 7 năm tới. Do đó, dư địa xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang châu Âu còn rất lớn nếu nước ta đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân.