| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình hợp tác thương mại và công nghiệp Việt Nam-Cameroon

Cameroon là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi (chiếm 50% tổng GDP của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi- CEMAC gồm 6 quốc gia thành viên). Đây là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Cameroon có lợi thế sở hữu cảng biển Douala tương đối hiện đại, là điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực Trung Phi. Hai mặt hàng chủ lực trong trao đổi thương mại giữa hai nước là gạo của Việt Nam và gỗ của Cameroon thường chiếm từ 65% tổng giá trị xuất khẩu trở lên.

1.Về thương mại

Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Cộng hòa Cameroon, tháng 8 năm 2011, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại nước này. Tham gia đoàn có đại diện của Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gạo, gỗ, điều, thương mại tổng hợp, chuyển giao công nghệ.

Tháng 8/2013, Bộ Công Thương đã cử đại diện tham gia đoàn công tác của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettelimex) sang Cameroon để hỗ trợ công ty này tiếp xúc với các Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Cameroun nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và nhập khẩu gỗ.

Tháng 11/2013, trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với phía Cameroon tổ chức Cuộc gặp ngân hàng giữa các nước Châu Phi và ASEAN tại thủ đô Yaoundé. Tham gia đoàn Việt Nam còn có đại diện các Ngân hàng An Bình, Ngân hàng ngoại thương và công ty gốm sứ Hảo Cảnh.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cameroon đạt 101 triệu USD, tăng 62% so với năm 2012 trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là gạo (đạt 60,86 triệu USD), sản phẩm sắt thép (14,85 triệu USD), dây và cáp điện (6,42 triệu USD), hàng thủy sản (3,2 triệu USD), … Tuy nhiên đến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 45,52 triệu USD, giảm 54%. Nguyên nhân là do xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang thị trường này bị sụt giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cameroon đạt 26,3 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014 trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là gạo (12,6 triệu USD), hàng thủy sản (5,2 triệu USD),  phân NPK (1,2 USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,2 triệu USD)…

Kim ngạch nhập khẩu từ Cameroon không ngừng tăng, đặc biệt là mặt hàng gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường và mua những đơn hàng gỗ lớn từ Cameroon. Giá trị nhập khẩu từ Cameroon năm 2014 đạt 122,7 triệu USD, tăng 37% trong đó các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 103,8 triệu USD, bông các loại 18,67 triệu USD.

 Trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Cameroon đạt 81,7 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 76,6 triệu USD, bông các loại 5 triệu USD.

2.Về công nghiệp

Tháng 11/2013, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình thuộc Tập đoàn Xuân Thành đã ký Bản ghi nhớ với phía Cameroon về đầu tư thủy điện và xi măng tại Cameroon. Hiện tại, Công ty Xuân Thiện đang khảo sát xây dựng hai nhà máy thủy điện với tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu USD và dự kiến khởi công xây dựng 01 nhà máy sản xuất xi măng với mức vốn đầu tư hơn 170 triệu USD vào năm 2016.

Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp của Việt Nam hoặc liên doanh với Việt Nam như Công ty TNHH Goldenland Cameroon, Công ty Sơn Hai-Cameroon, Công ty cổ phần và đầu tư AFA hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh gỗ, vàng và các khoảng sản có trụ sở tại thành phố cảng Douala, Cameroon.

                                                                   Hoàng Đức Nhuận

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan