| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Khối EFTA và Ukraina ký kết Hiệp định thương mại tự do hiện đại hóa

Ngày 8 tháng 4 năm 2025, tại Kiev (Ucraina), các quốc gia Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Ukraina đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện đại hóa.

FTA hiện thời giữa các nước EFTA và Ukraina có hiệu lực từ năm 2012. So với các FTA ký kết thời gian gần đây của khối EFTA, FTA hiện thời với Ukraina còn thiếu nội dung trong một số lĩnh vực. Vì vậy, từ đầu năm 2024 các nước EFTA và Ukraina đã quyết định đàm phán để cập nhật, hiện đại hóa FTA này. Đàm phán đã kết thúc thành công vào tháng 12/2024. FTA hiện đại hóa sẽ thay thế FTA hiện thời và tương thích rộng rãi với các FTA mà EFTA đã ký kết thời gian gần đây với các nước khác.

FTA hiện đại hóa bao gồm các chương mới về thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại và phát triển bền vững, cũng như các điều khoản sửa đổi về thương mại hàng hóa, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho thương mại, mua sắm của chính phủ, hợp tác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định mới này cũng cập nhật điều chỉnh quyền tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và tự do hóa thương mại trong một số danh mục sản phẩm nhất định. Điều này sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và cung cấp khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho các doanh nghiệp ở cả hai bên.

Khi FTA mới có hiệu lực, thương mại hàng công nghiệp giữa các quốc gia EFTA và Ukraina sẽ được tự do hóa hoàn toàn. Đối với hàng nông sản, Thụy Sỹ cũng sẽ được Ukraina mở cửa cho một loạt hàng nông sản mà các nhà xuất khẩu Thụy Sỹ quan tâm và chưa được thỏa thuận trong FTA hiện thời. Do đó, tổng mức hàng nông sản được hưởng lợi từ FTA mới sẽ tương ứng với 99,9% xuất khẩu hàng nông sản hiện thời của Thụy Sỹ sang Ukraina.

Hiệp định này sẽ góp phần vào khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Ukraina và củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia EFTA và Ukraina, đem lại lợi ích cho các thành phần kinh tế hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bộ trưởng Thương mại Na Uy Cecilie Myrseth, với tư cách là Chủ tịch EFTA, đã tuyên bố sau lễ ký kết: “Các quốc gia thành viên EFTA cam kết hỗ trợ Ukraina trong thời điểm quan trọng này và FTA hiện đại hóa này tái khẳng định điều đó. Hiệp định mới là bước đệm để tăng cường hội nhập của Ukraina vào thị trường châu Âu”.

Bà Yuliia Svyrydenko, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraina cho biết: “Sự hỗ trợ mà Ukraina nhận được từ các quốc gia EFTA là vô giá. Chúng tôi tin tưởng rằng FTA hiện đại hóa này sẽ mang lại những lợi ích cụ thể cho Ukraina và các quốc gia EFTA bằng cách tạo điều kiện cho sự hợp tác lớn hơn nữa, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp và góp phần nâng cao mức sống của người dân trong thời điểm đầy thách thức này”.

Kim ngạch thương mại song phương giữa EFTA và Ukraina đạt gần 1,1 tỷ Euro (khoảng 1,2 tỷ USD) vào năm 2024, trong đó EFTA xuất khẩu sang Ucraina đạt 782 triệu Euro, nhập khẩu từ Ucraina đạt 241 triệu Euro. Với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua là 4,9% đối với hàng nhập khẩu của EFTA và 9,3% đối với hàng xuất khẩu của EFTA, thặng dư của EFTA trong thương mại song phương tiếp tục tăng lên. Các mặt hàng nhập khẩu chính của EFTA từ Ucraina là dầu và chất béo (37 triệu Euro), đá quý và kim loại (26 triệu Euro), hàng dệt may và phụ kiện quần áo (22 triệu Euro), đồ nội thất (20 triệu Euro), đồ uống và rượu mạnh (20 triệu Euro). Các mặt hàng xuất khẩu chính của EFTA sang Ukraina là thủy sản (229 triệu Euro), dược phẩm (143 triệu Euro), vũ khí và đạn dược (77 triệu Euro), xe các loại (77 triệu Euro) và máy móc thiết bị điện (44 triệu Euro).

Ukraina cũng là một đối tác quan trọng của Thụy Sỹ ở Đông Âu. Kể từ khi FTA có hiệu lực vào năm 2012, thương mại hàng hóa song phương đã tăng trưởng đều đặn cho đến trước khi nổ ra xung đột với Nga vào tháng 2/2022, đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD vào năm 2021. Ngoài ra, Ukraina cũng là quốc gia ưu tiên trong hợp tác phát triển của Thụy Sỹ.

FTA hiện đại hóa này sẽ có hiệu lực sau khi các bên hoàn thành quy trình phê chuẩn nội bộ.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ

Nội dung liên quan