Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân Ô-man. Với lợi thế có đường bờ biển trải dài 3.165 km nên Ô-man có tiềm năng lớn trong việc phát triển ngành thủy sản. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã lập kế hoạch tổng thể cho việc phát triển ngành, trong đó tập trung kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án nuôi trồng thủy sản trong nước. Bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Ô-man còn chú trọng phát triển thị trường, các sản phẩm giá trị gia tăng và lĩnh vực chế biến.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Ô-man, năm 2010, sản lượng thủy sản mới chỉ được khai thác ở mức hạn chế là 164.000 tấn. Đây là con số rất hạn chế so với trữ lượng tiềm năng đạt khoảng 5 triệu tấn. Năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của Ô-man tăng 21% so với năm 2011. Ngành thủy sản đặt mục tiêu sẽ đóng góp 2% vào tổng sản phẩm quốc dân Ô-man đến năm 2020. Kết quả đạt được là do sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành đã đưa ra những biện pháp thiết thực hỗ trợ ngành thủy sản. Dự kiến, Ô-man sẽ tăng sản lượng lên 200.000 tấn, hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt mức 1 tỷ USD đến năm 2030.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc phát triển ngành thủy sản lớn mạnh là nhằm mục đích đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và gia tăng sản lượng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Ô-man đã ra thông báo cấm xuất khẩu 6 loại cá gồm: cá ngừ, cá thu, Al Sahwa, Al Anqad, Al Kofar và một số loại tôm hùm từ ngày 01/7/2013 đến 30/9/2013 nhằm mục đích đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mùa hè năm nay. Mỗi năm, sản lượng đánh bắt cá trong giai đoạn mùa hè giảm sút, vì vậy Chính phủ phải kiểm soát việc xuất khẩu nhằm đảm bảo việc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Các thị trường xuất khẩu thủy sản hiện này của Ô-man chủ yếu gồm: các nước Châu Âu, Mỹ, các nước Châu Á như Nhật, Việt Nam,...
Nguồn: Oman Observer
Nguyễn Thùy Linh