Brazil được đánh giá là một đối tác thương mại tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu lớn và cũng là thị trường tương đối dễ tính, không quá khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Quý II giai đoạn 2020-2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng đều các năm, trung bình tăng 11,62%. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, kim ngạch này đạt 1,32 tỷ USD, tăng 2,34% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt cao nhất tại thị trường này. Riêng tháng 6 năm 2024, kim ngạch đạt 32,22 triệu USD, tăng 90,10% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Braxin đạt 322,61 triệu USD, tăng 11,76%. Đứng thứ hai về kim ngạch là phương tiện vận tải phụ tùng, với kim ngạch 6 tháng đạt 186,06 triệu USD, tăng 10,955 so với 6 tháng năm 2023, riêng tháng 6 giảm nhẹ 3,87%, đạt kim ngạch 32,33 triệu USD. Máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện đứng thứ 3, với kim ngạch 6 tháng đạt 157,22 triệu USD, giảm 13,24% so với cùng kỳ năm 2023, riêng tháng 6 tăng 23,43%, đạt kim ngạch 22,29 triệu USD.
Đối với thị trường này, khó khăn về khoảng cách địa lý, mức thuế nhập khẩu vào nước này cao (riêng đối với sản phẩm dệt may, da giày đã lên tới 35%) do hai nước chưa cùng là thành viên trong hiệp định thương mại tự do nào cả, trở ngại về mặt ngôn ngữ, đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước này, dẫn đến kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn chưa xứng với tiềm năng của hai nước.
Chính vì vậy, Ông Ngô Xuân Tỵ- Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Braxin đã kiến nghị cơ quan chức năng cần triển khai các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam và Brazil.
"Chúng ta nên xúc tiến khởi động đàm phán FTA với Khối MERCOSUR mà Brazil là thành viên lớn nhất để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hưởng mức thuế ưu đãi tốt hơn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong việc thâm nhập thị trường", ông Tỵ đề nghị; đồng thời cho rằng cần nghiên cứu, phát triển thị trường logistics với Brazil, vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất (cả về đường hàng không lẫn đường biển) tại khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, cần mở đường bay thẳng đến Sao Paulo.
Về phía Thương vụ, ông Tỵ cho biết những tháng cuối năm, Thương vụ sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan sở tại để đẩy mạnh các kênh xuất khẩu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng xuất khẩu vào Brazil và các nước kiêm nhiệm. Cụ thể, Thương vụ sẽ tham gia các hoạt động tại Hội chợ Thủy sản Mỹ Latinh tại Brazil trong tháng 10 (Seafood Latin Show 2024), và các hội chợ thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, hội chợ tổng hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và một số hội chợ khác.
Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm Việt Nam, do đó các doanh nghiệp quan tâm, tham dự các hội chợ tại Brazil để xúc tiến xuất khẩu và cả nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu cần thiết cho nhu cầu sản xuất và chế biến trong nước để tái xuất khẩu. Doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ với Thương vụ qua mail br@moit.gov.vn.