Ấn Độ là một trong bảy đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Giai đoạn 2011-2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,3 lần từ 2,9 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 17,3%. Giai đoạn 2017-2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,8 lần từ 7,7 tỷ USD lên 14,3 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%.
Ấn Độ là thị trường phong phú, có nhiều phân khúc khách hàng, sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường này. Riêng đối với mặt hàng giày dép, thì Việt Nam hiện đang chiếm thị phần lớn thứ hai tại nước này, sau Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu hơn 93 triệu USD mặt hàng giày dép sang Ấn Độ, cùng hơn 77 triệu USD mặt hàng nguyên phụ liệu da giày, dệt may.
Đối với thị trường này, Bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam chỉ ra “Việt Nam có thế mạch với dòng giày thể thao, đây cũng là lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ và sẽ bớt được cạnh tranh với thế mạnh mặt hàng giày da của Ấn Độ”.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những yêu cầu mới về thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, và yêu cầu kĩ thuật tại nước sở tại, đây là những rào cản mà doanh nghiệp cần đưa ra những biện pháp phù hợp để mở rộng xuất khẩu giày dép sang thị trường này.