Theo báo cáo Viễn cảnh kinh tế thế giới 2021 của Ngân hàng thế giới (WB) công bố vào đầu tháng 6, tăng trưởng của Tunisia có thể chỉ đạt 4% vào năm 2021 (so với dự báo 5,8% vào đầu năm 2021). Đây là mức tăng trưởng cao thứ 4 tại khu vực Bắc Phi-Trung Đông (Mena) chỉ sau Libya (+66,7%), Djibouti (+5,5%) và Morocco (+4,6%) vượt trên mức trung bình của khu vực này (+2,4%).
Tuy nhiên, WB cũng cũng cảnh báo việc bùng phát trở lại của Covid-19 tại Tunisia, sự chậm trễ trong việc tiêm vắc-xin cũng như mức nợ công cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh kinh tế của quốc gia Bắc Phi này. Vì vậy, tăng trưởng của Tunisia sẽ chậm lại còn 2,6% năm 2022 và 2,3% năm 2023, dưới mức trung bình của khu vực (lần lượt là +3,5% và +3,2%).
Theo Viện Thống kê quốc gia Tunisia, lạm phát trong tháng 5 là 5%, tháng thứ hai liên tiếp trong khi tháng 3/2021 là 4,8%.
Số liệu của Ngân hàng trung ương Tunisia cho biết doanh thu du lịch đã sụt giảm 45% trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ còn 203,6 triệu USD. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Tunisia tạo ra 100.000 việc làm trực tiếp (gần 400.000 việc làm gián tiếp), đóng góp 4,2% GDP (gần 14% GDP một cách gián tiếp).
Ngày 7/6, Hội đồng Bộ trưởng Tunisia đã thông qua dự án phát hành trái phiếu quốc gia và sẽ được giao dịch trên thị trường chứng khoán Tunis. Ngân sách Tunisia năm 2021 dự báo cần 6,68 tỷ USD, trong đó 2,02 tỷ USD là vay nợ trong nước và 4,66 tỷ USD là vay nợ nước ngoài.
Ngày 8/6, Nghị viện Tunisia đã thông qua khoản vay 300 triệu USD từ Ngân hàng thế giới để tài trợ chương trình đấu tranh chống đói nghèo.
Về ngoại thương, thâm hụt thương mại của nước này trong 4 tháng đầu 2021 đạt 1,59 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, tăng 21,4% trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 7,1 tỷ USD, tăng 13%. Nếu như một số lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm, đặc biệt là năng lượng (-27,5%) và nông sản chế biến (-5,5%) thì phần lớn nhóm hàng có sự phục hồi xuất khẩu như dệt may, da giày (+35%), các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (+34,3%), công nghiệp cơ khí và điện (+34,1%). Về nhập khẩu, trừ lĩnh vực năng lượng (-19,7%), tất cả các ngành khác đều có kim ngạch tăng, đặc biệt là mỏ, phốt phát và các sản phẩm phái sinh (+35,1%), công nghiệp cơ khí và điện (+23,7%), dệt may, da giày (+21,3%).
Thâm hụt trong cán cân thương mại của nhóm hàng thực phẩm tăng từ 1,15 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2020 lên tới 207 triệu USD cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do Tunisia tăng nhập khẩu ngũ cốc (+20,6%) và giảm xuất khẩu dầu ô liu (-22,8%) mặc dù nước này đã tăng xuất khẩu cam quýt (+70,8%) và cà chua (+7,9%). Mặt khác, giá xuất khẩu các sản phẩm đánh bắt (hải sản), chà là và cam quýt lại giảm lần lượt là 19,5%, 13,7% và 4,1%. Trong khi đó giá nhập khẩu ngũ cốc lại tăng 11% đối với lúa mì cứng, 19,3% với lúa mì mềm và 41% đối với ngô. Giá nhập khẩu thịt và đường giảm tương ứng là 50,5% và 4,3%.
Về đối tác, nhập siêu của Tunisia vẫn chủ yếu liên quan đến trao đổi thương mại với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Algeria và Italia. Theo chiều ngược lại, Tunisia có thặng dư thương mại với Pháp, Lybia và Đức.
Hoàng Đức Nhuận