| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Nghị viện Châu Âu thông qua Luật phòng vệ thương mại mới

Nghị viện châu Âu hôm 15/11/2017 đã thông qua với đa số phiếu tán thành Luật phòng vệ thương mại mới, với các sửa đổi về phương pháp xác định giá trị bình thường của một sản phẩm và ước tính thiệt hại đối với một ngành sản xuất nội khối do hành vi bán phá giá của nước ngoài.

Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh EU chuẩn bị loại bỏ các nước như Trung Quốc và Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế "phi thị trường" mà theo đó EU áp dụng phương pháp luận "phi tiêu chuẩn" để tính toán thiệt hại do bán phá giá. Theo nghị định thư gia nhập WTO năm 2001 của Trung Quốc, EU và các thành viên WTO khác được kỳ vọng ​​sẽ từ bỏ sử dụng phương pháp luận "quốc gia tương tự" vào tháng 12 năm 2016. Theo phương pháp này, EU so sánh giá sản phẩm bị điều tra bán phá giá với giá sản phẩm tương tự ở các nước thứ ba. Cách thức này không phù hợp với các quy định của WTO.

Luật phòng vệ thương mới đã được thông qua bởi 554 nghị sỹ, chỉ có 48 phiếu chống và 80 người không tham gia bỏ phiếu.

Phương pháp cũ đã cho phép EU áp dụng thuế chống bán phá giá trung bình cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc so với các đối tác thương mại khác kể từ khi “người khổng lồ” châu Á tham gia vào thị trường thương mại thế giới. Luật phòng vệ thương mại của EU cũng đã góp phần làm cho Trung Quốc trở thành đối tượng hàng đầu mà EU áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Những ngành sử dụng thường xuyên nhất các biện pháp chống bán phá giá của EU là thép và kim loại, gốm sứ, hóa chất và các ngành công nghiệp nhẹ khác.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Trung Quốc đã kiện EU tại Tổ chức Thương mại Thế giới sau khi EU để lỡ thời hạn 01 tháng 12 năm 2016 và tiếp tục sử dụng phương pháp quốc gia tương tự trong các vụ kiện bảo hộ thương mại nhắm vào Trung Quốc.

 Những thay đổi đối với luật phòng vệ thương mại của EU

 Quy định mới này thực hiện hai bước đi quan trọng để phù hợp hơn với thực tiễn tiêu chuẩn của WTO. Gánh nặng chứng minh việc hoạt động trong một môi trường bị bóp méo với nền kinh tế phi thị trường bây giờ chính thức thuộc trách nhiệm của EU. Phương pháp mới không nêu tên các nền kinh tế phi thị trường cụ thể mà áp dụng chung đối với tất cả các nước.

EC sẽ đánh giá liệu hàng xuất khẩu của một nước thứ ba có bị bán phá giá hay không sau khi cân nhắc các báo cáo phân tích chi tiết về bóp méo thị trường theo ngành và theo quốc gia của nước xuất khẩu.

EC cũng đã đưa vào luật mới một số yếu tố thuộc các tiêu chí đánh giá nền kinh tế 'phi thị trường' trước đây vào phương pháp mới như tài chính ngân hàng, tiêu chuẩn kế toán và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, do sức ép của EP, EC còn có thể đánh giá việc một quốc gia có tuân thủ các hiệp định quốc tế về lao động và môi trường hay không trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá.

Các biện pháp phòng vệ thương mại hiện tại đối với Trung Quốc vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến khi hết hiệu lực. Trong một số trường hợp, thời gian này có thể lên đến bốn hoặc năm năm.

Phương pháp chống bán phá giá mới của EU ​​sẽ b phản đối trong WTO

Quy định mới này của EU đã bị Trung Quốc và Nga chỉ trích mạnh mẽ. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố trên Tân Hoa Xã ngày 15/11/2017 rằng các quy định mới về chống bán phá giá của EU là trái với WTO.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU

Nội dung liên quan