| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần xây dựng chiến lược, lộ trình dài hạn đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Châu Âu là thị trường nhập khẩu quan trọng các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng, bao gồm 50% cà phê và 60% ca cao của thế giới. Do đó, quy định không phá rừng nhằm giảm tác động của các sản phẩm do công dân Liên minh châu Âu (EU) mua đối với các khu rừng và diện tích rừng trên thế giới.

Tháng 6 năm 2023, một số mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu vào EU đứng trước một “hàng rào” mới - Quy định chống phá rừng (The European Union Deforestation Regulation - EUDR) của EU. Quy định được đề xuất nhắm vào những mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và sản phẩm gỗ…

Từ 31/12/2024, quy định này bắt đầu áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức; tháng 6/2025 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ những sản phẩm đáp ứng cả hai điều kiện là không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến tận thửa đất, lô rừng nơi hàng hóa đó được sản xuất.

EUDR cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Tại Việt Nam, ba nhóm ngành bị tác động chính bao gồm gỗ, cao su và cà phê.

Tại hội thảo “Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh” diễn ra vào ngày 16 tháng 8 vừa qua, các diễn giả cũng chỉ ra những tác động của EUDR tới xuất khẩu, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam; tình hình triển khai EUDR tại các quốc gia khác và kinh nghiệm về triển khai EUDR, bao gồm những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải để tuân thủ EUDR; hướng dẫn áp dụng EUDR đối với các doanh nghiệp Việt Nam theo ngành hàng (tính minh bạch trong thu thập thông tin địa lý, truy xuất nguồn gốc vùng trồng trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, sản xuất bền vững, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và hợp tác với các đối tác mua hàng…); hướng dẫn huy động và tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu EUDR.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Ông Đinh Sỹ Minh Lăng chỉ ra những cơ hội, thách thức của EUDR đối với các doanh nghiệp Việt, nếu sản phẩm tuân thủ yêu cầu về EUDR và có chứng nhận (FSC...) làm tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững theo một chiến lược bài bản về vùng trồng và nguồn nguyên liệu hợp pháp (nguồn gốc và vị trí đất đai, truy xuất nguồn gốc, chia sẻ thông tin…) sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nguồn cung và là sự lựa chọn ưu tiên đối với bạn hàng châu Âu.

Tuy nhiên, các diễn giả cho ra rằng, EUDR cũng mang đến những thách thức cho doanh nghiệp Việt như chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có khả năng gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận của EUDR vì họ sẽ yêu cầu các công nghệ, quy trình và chi phí hành chính cho việc tuân thủ các quy định. Các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh xuất khẩu khốc liệt hơn, dễ dẫn đến việc mất thị phần tại châu Âu. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể với những giải pháp tổng thể và đồng bộ

Vì vậy, các diễn giả cũng chỉ ra, để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt trong việc phát triển xuất khẩu xanh vẫn cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trong đó, cần nhanh chóng ngăn chặn sự gián đoạn xuất khẩu và bảo đảm rằng sẽ có ngày càng nhiều mặt hàng Việt đáp ứng các tiêu chuẩn EUDR. Thêm vào đó, cần xác định các doanh nghiệp chủ chốt có mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào EU để hỗ trợ họ nâng cao khả năng tuân thủ các quy định của thị trường EU.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh. Trong ngắn hạn, cần giúp các doanh nghiệp Việt Nam sớm tìm thị trường thay thế nếu phải đáp ứng ngay lập tức EUDR. Trong trung hạn, cần đưa nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu hơn vào chuỗi cung ứng, giúp họ thích ứng với điều kiện thị trường mới. Và dài hạn là tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt bằng cách nâng cấp tiêu chuẩn môi trường cho các sản phẩm xuất khẩu...

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc giải đáp thắc mắc liên quan đến quy định và thúc đẩy thảo luận, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã biên tập bản dịch gồm 85 câu hỏi thường gặp và trả lời, được biên tập dựa trên bảng câu hỏi thường gặp bằng tiếng Anh được phát hành bởi Liên minh châu Âu (cập nhật đến tháng 12 năm 2023).

Bản dịch không có ý kiến hay đánh giá chính thức về quy định, nó cũng không phản ánh quan điểm của EU hoặc Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức.

Doanh nghiệp quan tâm, xem chi tiết tại file đính kèm.

VN_PDF_EUDR_Các câu hỏi thường gặp.pdf

VietnamExport (tổng hợp)

Nội dung liên quan