| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Các nước Bắc Âu đồng lòng tham gia vì mục tiêu phát triển bền vững

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực hàng đầu trên thế giới có sự quan tâm và đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xanh hóa nền kinh tế. Gần đây, vấn đề này được thúc đẩy hơn nữa do tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được thông qua vào năm 2019, kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu” ra đời nhằm thúc đẩy các thành viên EU dần chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.

Tháng 4 năm ngoái, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã nhất trí mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Tháng 5 vừa qua, 4 quốc gia EU gồm Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã ra tuyên bố chung để biến Biển Bắc thành “nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050. EU hiện đang đề ra một loạt biện pháp nhằm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Tại Đan Mạch, chính quyền hướng tới chuyển đổi xanh với 3 trụ cột chính là xe đạp, năng lượng gió và xử lý rác thải. Từ những năm 1960, thủ đô Copenhagen đã đưa ra sáng kiến hình thành văn hóa đi xe đạp, thông qua việc hạn chế đậu xe trong trung tâm thành phố, tăng thuế xe hơi và khí đốt, đồng thời lắp đặt giá treo xe đạp, làn đường và đèn giao thông.

Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ gió và đặt mục tiêu biến Copenhagen trở thành thủ đô trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Năm 2009, Copenhagen đã đưa ra “Kế hoạch Khí hậu” đầu tiên và kết quả của quá trình thực hiện đã đạt được mức giảm CO2 lớn. Thành phố cũng có các Chính sách về Môi trường như không khí sạch, ít tiếng ồn, nước sạch từ vòi và nhiều không gian xanh giúp tăng cường sức khỏe và chất lượng sống của người dân một cách đáng kể. Nằm ở khu công nghiệp cách thành phố Copenhagen chỉ 3km, nhà máy rác Amager Bakke của Đan Mạch có thể chuyển đổi chất thải thành năng lượng dùng để sưởi ấm thành phố.

Không chỉ Đan Mạch, các thủ đô Bắc Âu trong thập kỷ qua đã đưa ra nhiều quyết định chính trị và hành chính táo bạo để giải quyết vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu và các thách thức về môi trường. Phương pháp tiếp cận đa phương, lôi kéo sự tham gia của các bên liên quan bao gồm nhà hoạch định chính sách địa phương, các cơ quan chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức môi trường và khí hậu cũng như những người dân bình thường, được coi là chìa khóa trong việc thiết lập các mục tiêu và thực thi các chính sách phát triển bền vững.

Oslo, thủ đô của Na Uy, đã áp dụng một chiến lược khí hậu đầy tham vọng với mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2vào năm 2030. Trong một thập kỷ tới, quốc gia này phấn đấu loại bỏ các nguồn phát thải khí độc hại gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Mục tiêu được thực hiện không phải bằng cách mua thêm hạn ngạch khí thải mà thực hiện cắt giảm lượng khí thải thực tế. Ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu đầu tiên cũng đã được đưa vào hoạt động từ năm 2017 như một công cụ quản trị đột phá dù quốc gia này là một trong những nước sản xuất dầu và khí đốt lớn trên thế giới.

Năm 2010, Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, được chọn là Thủ đô Xanh Châu Âu đầu tiên, nhờ vào việc cắt giảm lượng khí thải carbon và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Năm 2016, quốc gia này đã thông qua mục tiêu không còn nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Kể từ năm 1990 cho đến nay, thành phố đã cắt giảm 50% lượng khí thải carbon trên mỗi người dân. Đầu tháng 10/2019, Stockholm khởi động sáng kiến có tên gọi “Thỏa thuận Xanh toàn cầu mới” của C40 (mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới). Sáng kiến này nhằm tập hợp những thành phố sẵn sàng giảm lượng khí thải carbon phù hợp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C được đề ra trong Thỏa thuận chung Paris.

Những mục tiêu về phát triển bền vững của các nước Bắc Âu đầy tham vọng, được cụ thể hoá ở những con số cũng như mốc thời gian thực hiện… Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, những nhà hoạt động môi trường, các cơ quan chính quyền… tất cả đồng lòng tham gia vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Nội dung liên quan