Tập đoàn điện tử khổng lồ MIDIA của Trung Quốc vừa thông báo tăng phần đóng góp của mình tại Nhà máy sản xuất người máy KUKA của Đức từ 13,5% lên 30% để chiếm quyền kiểm soát ở nhà máy tân tiến nhất của Đức trên lĩnh vực sản xuất roboter.
Để ngăn cản thương vụ này, một số doanh nghiệp Đức và châu Âu tìm người mua cổ phần ở KUKA vì họ không muốn công nghệ hàng đầu của Đức chuyển giao cho người Trung Quốc. Nhưng với cái giá mà Midia đưa ra là 4,5 tỷ euro thì các cổ đông của Kuka chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị khuất phục và Kuka sẽ trở thành của Trung Quốc như nhiều công ty, nhà máy ở Đức hay châu Âu. Đến ông Oettinger, Cao ủy Châu Âu về công nghiệp số hóa cũng phải than không nên để Kuka rơi vào tay Trung Quốc vì „Kuka thuộc lĩnh vực chiến lược và có tầm quan trọng đặc biệt đối công nghiệp Châu Âu“.
Tóm lại hiện nay người Trung Quốc mua tất cả, từ bất động sản, nhà ga sân bay, bến cảng, nhà máy và nhiều khi cả một phần đất, một phần lãnh thổ.
Ở Island, tỷ phú Huang Nubo bỏ 8,8 triệu đô lua mua 300 m² đất để xây dựng ở đó khu nghỉ dưỡng sinh thái trị giá 90 triệu đô. Tập đoàn nhà nước Tianjin mua đất ở khu vực tây bắc Bungari để trồng 10.000 ha lúa mạch. Tại Davos Thụy Sĩ chính quyền thành phố Đại Liên cũng bỏ tiền mua hẳn khách sạn cổ „Derby“ để cải tạo dành riêng cho phái đoàn Trung Quốc dự Diễn đàn kinh tế thế giới và sau đó mở rộng thành khu nghỉ dưỡng và trung tâm thẩm mỹ cho khách hàng có tiền từ Trung Quốc.
Sân bay Hahn thuộc bang Rheinland-Pfalz nguyên là sân bay quân sự, cách sân bay quốc tế Frankfurt khoảng 2 tiếng chạy xe hơi và sau này chủ yếu do hãng máy bay giá rẻ Ryanair sử dụng, đầu tháng 6 này đã được bán cho người Trung Quốc với cái giá chưa được công bố.
Năm 2006 Tập đoàn khổng lồ ChemChina mua Tập đoàn sản xuất chất phụ gia thức ăn gia súc của Pháp Adisseo với cái giá 902 triệu USD.
Năm 2011 cũng ChemChina bỏ 2,2 tỷ USD mua đứt Công ty sản xuất Silizium của Na Uy Elkem. Tháng 3/2015 họ mua tiếp Tập đoàn Pirelli của Italia với cái giá cao ngất lên đến 7,1 tỷ euro. Năm 2015 Shanghai Electric Group mua Tập đoàn Chế tạo máy Manz Reutlingen của Đức với giá 20 tỷ euro. ChemChina mua Tập đoàn sản xuất hóa chất nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ và trả 43 tỷ USD. Danh sách các công ty, tập đoàn truyền thống của châu Âu lần lượt rơi vào tay người Trung Quốc còn khá dài. Chỉ biết hiện nay từ nhà sản xuất ô tô MG Rover của Anh, Volvo Thụy điển, nhà máy sản xuất du thuyền Ferretti, Nhà máy điện nguyên tử ở Anh, và sản xuất thời trang Ferragamo của Italia, Nhà máy sản xuất máy trộn bê tông Putzmeister ở Stuttgart, nhà máy xử lý rác ở Niedersachsen, Nhà băng tư nhân Hauck&Aufhäusen, sân bay Hahn của Đức đã thuộc về Trung quốc. Từ 2000 đến 2014 Trung Quốc đã chi đến 46 tỷ euro để mua cổ phần chi phối hoặc mua đứt các công ty châu Âu, trong đó riêng ở Đức là 7 tỷ.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Đặc điểm đầu tư của Trung Quốc :
- Trước đây họ thường nhằm vào những công ty, nhà máy đã hoặc sắp phá sản nhưng có truyền thống hoặc đã khẳng định thương hiệu trong người tiêu dùng từ những thập kỷ trước. Hiện nay đối tượng mà họ nhằm vào là những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức với công nghệ tiên tiến, nhất là những công nghệ hàng đầu thế giới, tập trung vào các lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô.
- Chiến thuật của họ ban đầu là mua dần cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát, sau này bỏ tiền ra mua đứt bán đoạn để những doanh nghiệp, nhà máy của Đức trở thành của Trung Quốc. Điểm khác đầu tư của Nhật Bản là trong trường hợp mua đứt nhà máy nhưng chủ TQ vẫn cam kết sẽ giữ những nhà quản lý, công nhân lành nghề Đức làm việc cho họ. Còn đối với người Nhật họ sẽ thay luôn quản lý người Nhật.
- Khi mua doanh nghiệp Đức, người TQ thường giữ nguyên vị trí của doanh nghiệp đó, tập trung xung quanh đó thêm nhiều doanh nghiệp con của TQ để trở thành những doanh nghiệp phụ trợ. Vì thế nên bang Nordrhein-Westfalen hiện đã có 900 doanh nghiệp Trung quốc đặt nhà máy sản xuất, đầu tư và trở thành nơi tập trung nhiều doanh nghiệp TQ nhất châu Âu. „Người khổng lồ“ Huawei đặt nhà máy sản xuất ở Düsseldorf, Bonn, München và Berlin với 1600 lao động chuyên cung cấp phụ kiện cho Telekom hay Vodafone. Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc năm 2013 có cuộc thăm dò 74 doanh nghiệp Trung Quốc thì 62% doanh nghiệp này đã có đầu tư ở Đức, 37% đầu tư ở Pháp và 35% ở Italia. Điều này cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hướng đến châu Âu.
Lý do Trung Quốc tăng đầu tư ở Châu Âu :
- Sự phát triển kinh tế trong nước của Trung Quốc đã hoặc sắp đạt ngưỡng, không có nhiều khả năng phát triển. Vì vậy trong Kế hoạch năm năm mới đây Chính phủ TQ đã đưa ra kế hoạch hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc và khuyến khích doanh nghiệp họ đầu tư ra nước ngoài. Đương nhiên Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn đầu tư. Trong mục tiêu đề ra „Made in China 2025“, Trung Quốc muốn thay thế hình ảnh là nơi sản xuất hàng hóa rẻ tiền bằng hình ảnh nhà sản xuất công nghệ cao.
- Nhiều nền kinh tế châu Âu đang èo uột do thiếu tiền đầu tư hay do những lý do khác. Thủ tướng TQ đã nói tại Diễn đàn kinh tế Đại Liên „các nước châu Âu đang có những vấn đề lớn liên quan đến nợ chính phủ. Chúng tôi đã nhiều lần nói là Trung Quốc sẵn sàng chìa cánh tay giúp đỡ của mình“. Và trên thực tế TQ đã dự định mua lại nợ chính phủ của Hungari và để đổi lại sẽ nhận được nhà máy hóa chất Borsodchem. Ở Hy Lạp TQ mua trái phiếu chính phủ để có được cảng Piräus. Trung Quốc cũng hứa sẽ mua lại 10% nợ chính phủ (khoảng 180 tỷ euro) của Italia để có cổ phần áp đảo ở Tập đoàn dầu khí Eni và nhà phân phối Enel. Tờ báo Italia „Il Messaggero“ lo ngại nếu TQ mua 10 đến 20% quỹ đầu tư chiến lược thì họ sẽ đạt được mục đích kiểm soát những phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
- Do Trung Quốc không thể sờ đến được nhưng doanh nghiệp hàng đầu của Đức (còn gọi là các DAX Konzern) nên hiện tại họ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ với số nhân công từ 100 đến 500 người và từ đó sẽ can thiệp sâu hơn vào kinh tế Đức và có được công nghệ tiên tiến của Đức mà họ muốn có. Nhưng để có được những công nghệ này người Trung Quốc còn chơi con bài dùng ngay nước yếu chống lại nước mạnh, nước nhỏ chống lại nước lớn ngay trong các nước EU. Ông Jonas Parello-Plesner của „Think Tank“ European Council on Foreign Relations có trụ sở ở Brüssel cảnh báo về sự xuất hiện của “China- Lobby” (Vận động hành lang cho TQ) ở những nước nhỏ trong EU và bắt đầu „cuộc chiến“ tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Âu.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Phản ứng của Đức :
Người Đức thuộc tốp đầu trong những người đầu tư ra nước ngoài, trong đó đặc biệt là sang Trung Quốc. Nhưng ngược lại họ lại rất dè dặt với đầu tư của Trung Quốc ở Đức. 90% người được hỏi cho rằng việc người nước ngoài mua các doanh nghiệp Đức có thể tác động xấu đến nền kinh tế Đức.
Giới kinh tế có vẻ ủng hộ đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Đức. Ngược lại giới chính trị thì tỏ ra dè dặt. Mặc dù chính phủ hai nước vẫn tổ chức định kỳ các cuộc họp nội các chung (lần tới ở Bắc Kinh tháng 6 này) nhưng cả Phủ Thủ tướng lẫn Bộ Kinh tế đều không muốn những thương vụ mua bán, như vụ KUKA hiện nay, lại rơi vào tay Trung Quốc và từ ảnh hưởng vào kinh tế, Trung Quốc sẽ gây sức ép lên các vấn đề chính trị khác mà trước mắt là dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc và công nhận TQ là nền kinh tế thị trường./.
Berlin, ngày 06 tháng 6 năm 2016
Tham tán Công sứ Nguyễn Hữu Tráng (đã ký)