Những điểm mới chính sách đối với doanh nghiệp Pháp có hiệu lực từ đầu năm 2021.
Giảm thuế doanh nghiệp
Luật tài chính mới của Pháp nêu rõ lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với tất cả các công ty. Các doanh nghiệp sẽ đóng những mức thuế khác nhau tùy thuộc vào doanh thu hàng năm.
Trong năm 2021, thuế TNDN ở mức 26,5% đối với các công ty có doanh thu dưới 250 triệu € và 27,5% đối với các công ty lớn (doanh thu lớn hơn hoặc bằng 250 triệu €).
Trong năm 2022, thuế suất thuế TNDN thông thường sẽ giảm xuống 25% đối với tất cả các công ty. Mức thuế 15% được duy trì cho các DNVVN trong một số điều kiện nhất định.
Giảm thuế sản xuất
Để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các công ty, ước tính tổng thuế sản xuất của các doanh nghiệp sẽ giảm 10 tỷ € trong năm 2021 với bốn biện pháp chính như sau:
- Giảm một nửa mức thuế « Đóng góp giá trị gia tăng CVAE ».
- Đánh giá lại phương pháp kế toán định giá được sử dụng để tính thuế tài sản (thuế tài sản công ty và thuế tài sản đối với bất động sản - xây dựng).
- Giảm thuế « Đóng góp kinh tế lãnh thổ » từ 3% xuống 2%.
- Miễn thuế tài sản trong vòng 3 năm với các doanh nghiệp mới hoặc doanh nghiệp mở rộng quy mô, theo quyết định của chính quyền địa phương.
Tăng cường vốn chủ sở hữu doanh nghiệp
Luật tài chính đã phê chuẩn những nội dung được quy định trong kế hoạch khôi phục nền kinh tế, cụ thể là tăng cường vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển.
Đây là hình thức hỗ trợ khả năng thanh toán phù hợp với hỗ trợ thanh khoản trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt thông qua các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh gồm:
- Gói 150 triệu euro bảo lãnh cho các khoản đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích « Phục hồi kinh tế ».
- Ngoài ra, Chính phủ có thể cấp một gói bảo lãnh ngân hàng với tổng giá trị 2 tỷ euro cho các công cụ tài chính tái cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận với các công cụ tài chính dài hạn.
Xây dựng kế hoạch trả lương dài hạn cho lao động thất nghiệp tạm thời
Trong năm 2021, việc trả lương cho lao động thất nghiệp tạm thời (APLD) có thể được kéo dài tới 24 tháng. APLD là chính sách Chính phủ Pháp hỗ trợ tiền lương cho các lao động tại các doanh nghiệp bắt buộc phải nghỉ tạm thời và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2020. Chính sách này giúp người lao động được trả mức lương bằng 70% lương khi làm việc và tối đa bằng 4,5 mức lương tối thiểu trong đó 80% do nhà nước chi trả và 20% bởi người sử dụng lao động.
Tăng cường Quỹ Việc làm Quốc gia (FNE)
Là một phần của Kế hoạch khôi phục nền kinh tế, Quỹ Việc làm Quốc gia được bổ sung số tiền 1 tỷ Euro nhằm khuyến khích đào tạo những lao động đang thất nghiệp tạm thời. Ngoài ra, một phần Quỹ được dành lao động trẻ với mục tiêu "1 lao động trẻ, 1 giải pháp". Chính phủ Pháp đặt ra mục tiêu có thêm 223.000 lao động trẻ được đào tạo các kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Hỗ trợ xuất khẩu
Trong tháng 4 năm 2020, Chính phủ pháp đã xây dựng « Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp » cho các công ty xuất khẩu. Trong năm nay, Chính phủ Pháp sẽ đưa ra giải pháp mới nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Pháp cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu và cạnh tranh từ nước ngoài đang ngày càng mạnh lên. Chính phủ Pháp sẽ tăng cường giải ngân gói tài chính 247 triệu euro trong kế hoạch nêu trên với mục tiêu giải ngân 122 triệu euro trong năm 2021.
Hỗ trợ làm chủ công nghệ và phổ biến kỹ thuật số
Nhà nước cam kết gói hỗ trợ 1,5 tỷ Euro cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, nâng cấp kỹ thuật số cấp quốc gia và các vùng lãnh thổ, trong đó có 1 tỷ Euro tín dụng được thanh toán từ năm 2021. Các hoạt động chính gồm :
- Thông qua Chương trình chuyển đổi kinh tế số (France Num) để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chuyển đổi kỹ thuật số.
- Áp dụng hệ thống kiểm toán và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đạt được trình độ kỹ thuật số ở « mức đầu tiên » trong việc triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa công cụ sản xuất.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp số, kỹ thuật cao, thông qua hình thức hỗ trợ và thay thế cơ chế đánh thuế đối với các khoản đầu tư vào công nghệ trong tương lai.