Theo Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham, việc Việt Nam sớm tuân thủ CBAM sẽ rất quan trọng, không chỉ để tránh thuế quan mà còn mở ra lợi thế tiên phong về tiếp cận thị trường và đầu tư xanh.
Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP) lần thứ tư với chủ đề “Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới” vừa được tổ chức ngày 01/11 tại Hà Nội đã làm rõ thực trạng và những cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo.
Trong phần tham luận tại Diễn đàn về “Tận dụng các tiêu chuẩn mới về thương mại môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và phát triển thương mại Việt Nam-EU”, ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham Việt Nam chia sẻ về những thách thức, miễn trừ và tuân thủ cho doanh nghiệp, làm sao để chuẩn bị và hỗ trợ cho các doanh nghiệp/chính quyền địa phương; miễn trừ có thể xảy ra khi người nhập khẩu có thể chứng minh rằng giá carbon đã được trả trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ, các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia đã thực hiện cơ chế định giá carbon tương đương sẽ được miễn CBAM, các nhà nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ nằm dưới ngưỡng nhất định sẽ được miễn CBAM. Các vật liệu/mặt hàng xuất khẩu bổ sung đang được xem xét để đủ điều kiện theo quy định CBAM của EU; các quốc gia khác như Canada, Anh, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc các chính sách BCA (Điều chỉnh carbon biên giới) tương tự v.v.
CBAM của EU được đưa ra vào tháng 10 năm 2023
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Stuart Livesey cho biết, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU được đưa ra vào tháng 10 năm 2023, là BCA đáng chú ý nhất, yêu cầu nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải carbon và cuối cùng phải trả chi phí carbon.
Theo đó, CBAM hướng tới mục đích rất rõ ràng: Ngăn chặn rò rỉ carbon; Khuyến khích giảm phát thải nhà kính; Tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp; Hỗ trợ Thỏa thuận xanh của EU - tập trung vào các nhà cung cấp ngoài EU; Thúc đẩy đầu tư vào công nghệ carbon thấp.
Về lộ trình áp dụng CBAM, ông Stuart Livesey thông tin, chứng chỉ miễn phí dành cho các công ty EU sẽ bị loại bỏ cho đến năm 2034. Hiện tại, giai đoạn chuyển tiếp đang diễn ra cho đến năm 2025 (kể từ năm 2023) và chỉ yêu cầu báo cáo. Chế độ chính thức sẽ được áp dụng từ năm 2026 và các nhà nhập khẩu sẽ phải bắt đầu mua giấy chứng nhận.
Giá của các chứng chỉ sẽ dựa trên giá carbon của các hạn ngạch ETS của EU (Hệ thống giao dịch phát thải của EU dựa trên nguyên tắc bên gây ô nhiễm phải trả tiền theo lượng khí thải khí nhà kính phát ra).
Ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn
Khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện đầy đủ CBAM, Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham cung cấp thông tin từng giai đoạn để các doanh nghiệp lưu ý. Cụ thể, đến hết năm 2024, các công ty có thể lựa chọn thực hiện: (1) Báo cáo đầy đủ theo phương pháp mới (của EU); (2) Báo cáo dựa trên phương pháp tương đương, có thể bao gồm một hệ thống giám sát và báo cáo bắt buộc liên quan đến chương trình định giá carbon; hoặc một chương trình giám sát khí thải bắt buộc ở một quốc gia thứ ba; hoặc một chương trình giám sát khí thải của cơ sở được xác nhận đáp ứng các yêu cầu của EU.
Tới hết năm 2025, chỉ báo cáo lượng khí thải nhà kính có trong hàng nhập khẩu (lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp) mà không cần phải mua và nộp lại chứng nhận. Lượng khí thải gián tiếp sẽ được tính sau thời gian chuyển tiếp đối với xi măng và phân bón. Đến năm 2030, CBAM dự kiến sẽ bao gồm tất cả các sản phẩm thuộc phạm vi ETS như gốm sứ, thủy tinh, vật liệu đóng gói. Trong tương lai, CBAM có thể áp dụng cho nhiều sản phẩm hơn nữa như dệt may, vận tải đường bộ, xây dựng…
Từ 2026, các công ty cần phải đăng ký với các cơ quan quốc gia nơi có thể mua chứng chỉ CBAM; đồng thời, xin chứng nhận CBAM cho lượng khí thải CO2 nhập khẩu từ cơ quan có thẩm quyền liên quan. Các công ty cũng cần chuẩn bị và nộp tờ khai CBAM hàng năm cho hàng hóa CBAM được nhập khẩu trong năm dương lịch trước đó và lượng khí thải CO2 tương ứng.
Dẫn chứng cụ thể về một trong số các ngành sản xuất bị ảnh hưởng tại Việt Nam, ông Stuart Livesey thông tin, mỗi năm, Việt Nam sản xuất 100 triệu tấn xi măng, tuy nhiên, xuất khẩu sang EU lại thấp, chiếm chưa đến 2% trong vòng 5 năm qua. Thành viên Hội đồng quản trị Eurocham đề xuất giải pháp chuyển đổi sang sản xuất xanh và giảm phát thải carbon để giải quyết các BCA đã thực hiện và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ vào năm 2050.
Với các doanh nghiệp nói chung, ông Stuart Livesey đưa ra một số khuyến nghị để tận dụng các tiêu chuẩn mới về thương mại môi trường, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Theo ông, việc Việt Nam sớm tuân thủ CBAM sẽ rất quan trọng, không chỉ để tránh thuế quan mà còn mở ra lợi thế tiên phong về tiếp cận thị trường và đầu tư xanh. Ông Stuart Livesey cho rằng, việc sớm liên kết với CBAM có thể định vị các ngành công nghiệp của Việt Nam trở thành tiên phong toàn cầu về sản xuất bền vững và thu hút FDI tập trung vào công nghệ carbon thấp. Theo ông Stuart Livesey, rủi ro của các chính sách carbon rời rạc trên nhiều thị trường khác nhau có thể tạo ra các rào cản phi thuế quan đối với các nhà sản xuất nhỏ hơn, những người có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn carbon khác nhau. Cuối cùng, Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham nhấn mạnh, các ngành công nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư vào sự bền vững ngay từ bây giờ, đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.