Louis Dreyfus Commodities (LDC), tập đoàn kinh doanh nông sản hàng đầu của Pháp ngày 31/1/2013 đã ký một thoả thuận với Chính phủ Bờ Biển Ngà để đầu tư vào dự án trồng lúa tại nước này với số vốn 60 triệu USD.
Bà Louis Dreyfus, chủ tịch và là cổ đông chính của tập đoàn cùng tên đã ký một thoả thuận chiến lược với ông Sangafowa Coulibaly, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Bờ Biển Ngà để được sử dụng hơn 100.000 ha đất trồng tại miền bắc quốc gia Tây Phi này để sản xuất lúa.
Sau cuộc hội kiến với Tổng thống Alassane Ouattara, tập đoàn đã ra tuyên bố trong đó nêu, việc ký thoả thuận sẽ cho phép trồng và sản xuất 300.000 tấn thóc mỗi năm. Chính phủ Bờ Biển Ngà sẽ giao cho tập đoàn Louis Dreyfus Commodities sử dụng từ 100.000 đến 200.000 ha đất ở miền Bắc. Ngay năm nay, dự án sẽ được triển khai thực hiện, dự kiến giúp tăng sản lượng lúa của Bờ Biển Ngà lên gấp 3 lần. Thông qua thoả thuận này, Louis Dreyfus Commodities đã vượt lên trước những đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Olam và Mimran, hai tập đoàn cũng đang muốn Chính phủ Bờ Biển Ngà cấp phép sử dụng 150.000 ha đất để sản xuất lúa.
Mỗi năm, Bờ Biển Ngà tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong đó 900.000 tấn phải nhập khẩu.
Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, trong khuôn khổ chương trình phát triển hậu khủng hoảng chính trị với tổng các khoản chi dự kiến 20 tỷ USD, Bờ Biển Ngà đã quyết định dành 3,9 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2012 đến năm 2015. Chương trình này mang tên “Chương trình quốc gia về đầu tư nông nghiệp” (PNIA) với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8,9% nhằm bảo đảm an ninh lương thực tại Bờ Biển Ngà và góp phần đáng kể cho an ninh lương thực của tiểu vùng Tây Phi.
Từ nhiều năm nay, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà, chiếm 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này. Năm 2012, lượng gạo xuất khẩu đạt 479.590 tấn với kim ngạch 203,37 triệu USD. Như vậy mặt hàng gạo của Việt Nam chiếm hơn một nửa lượng gạo nhập khẩu trung bình hàng năm của Bờ Biển Ngà. Năm 2012, Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi sau Nam Phi và Ai Cập./.
Hoàng Đức Nhuận