Vào tháng 8 vừa qua, Chính phủ Myanmar đã tổ chức thành công Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 lần thứ 4 với cam kết của bên, trong đó đưa ra những bước cơ bản trong việc thành lập một Liên bang dân chủ và cụ thể hóa các bước đi cho tiến trình xây dựng hòa bình trong tương lai của nước này. Nhưng hòa bình trên đất nước này có thực sự sẽ trở thành hiện thực hay không vẫn còn là một câu hỏi, mặc cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của Chính quyền, hay ước nguyện của người dân nước này trong bối cảnh vẫn còn các phe phái, nhóm vũ trang không được mời/không tham gia Hội nghị.
Vào những năm 2010, khi giới tướng lĩnh Myanmar từ bỏ quyền lực, chế độ toàn trị quân đội, thế giới đã hồ hởi và tin tưởng nước này đang và sẽ thoát dần khỏi quá khứ đen tối, tiến tới một nền dân chủ hòa bình và thịnh vượng. Nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Barack Obama, Bill Clinton, Hillary Clinton, Tony Blair…đã tới Myanmar để khích lệ sự đổi thay trên đất nước này. Hoa Kỳ và Phương Tây bắt đầu dỡ bỏ các lệnh trừng phát áp đạt nhiều năm đối với Myanmar, tạo điều kiện cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, có lúc đã tạo nên những cơn sốt nhất định cho thị trường còn nhỏ bé của Myanmar (giá khách sạn & văn phòng cao cấp tăng vọt do cung chưa kịp đáp ứng). Bà Aung San Suu Kyi được thế giới văn minh tôn vinh, niềm tự hào của phong trào đấu tranh dân chủ toàn thế giới.
Tưởng rằng hòa bình và thịnh vượng chẳng thể nào không tới với Myanmar trong một tương lai rất gần thì năm 2018, thế giới đã phải nhìn nhận lại khi làn sóng bạo lực tại Rakhine xảy ra. Dân thường bị sát hại, hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya tràn qua Bangladesh mang theo nỗi sợ hãi của giết chóc và hãm hiếp… Người nhận giải Bình Nobel năm nào Aung San Suu Kyi một lần nữa phải đứng lên bảo tổ quốc nhưng là tại Tòa án quốc tế trước cáo buộc diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại. Người hùng giờ đây thành tội đồ trong mắt một số quốc gia, tổ chức quốc tế.
Câu chuyện về Myanmar không hề đơn giản và dễ đoán định như nhiều người nghĩ, nó bắt nguồn từ lịch sự của thế kỷ trước và lâu hơn nữa với sự đan xen các yếu tố về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, chính trị, địa lý… và ngay cả đối với bà Aung San Suu Kyi với sự bền bỉ đấu tranh cho một nền dân chủ cuối cùng cũng có được một Myanmar dân chỉ thì hòa bình trong toàn liên bang vẫn là thách thức, một ngọn núi cao mà không chắc bà hay bất cứ nhà lãnh đạo nào của Myanmar có thể dẫn dắt đất nước vượt qua.
Trở lại với lịch sử của Myanmar, đường biên giới quốc gia của nước Myanmar ngày nay (Burma trước đây) thực chất được hình thành từ những năm 1920 khi Đế quốc Anh chiếm toàn bộ lãnh thổ của nước này từ triều đại Kongbaung và các quốc gia Shan (Chinese Shan States). Năm 1937, Myanmar đã được người Anh tách ra khỏi Ấn Độ thuộc địa (cho thành lập quốc hội riêng) sau nhiều thập kỷ đấu tranh của những người Myanmar theo chủ nghĩa dân tộc. Nếu như năm 1947 người Anh tách Pakistan ra khỏi Ấn Độ thuộc địa vì lý do tôn giáo khác biệt thì năm 1937 người Anh tách Myanmar (Burma) ra khỏi Ấn Độ thuộc địa vì lý do sắc tộc khác nhau. Nhưng trước đó, Myanmar đã trải qua các triều đại và bao gồm nhiều tiểu quốc khác nhau như Taungoo (có lúc đã thống nhất lãnh thổ như hiện nay và thậm chí sang cả Thái Lan và Lào), các quốc gia Shan, Bago, Arakan (Rakhine)… và các triều đại/tiểu quốc này mang đậm chất chủng tộc đa dạng của Myanmar. Với sự đa dạng về sắc tộc (135 dân tộc), cùng với chính sách chia để trị thời thuộc địa Anh, những cuộc đụng độ giữa các phe phái vẫn xảy ra ngay cả trong thời kỳ thuộc địa của Myanmar.
Không chỉ có vậy, xung đột giữa các nhóm tôn giáo khác nhau cũng xảy ra cùng lúc, nhất là giữa những người theo Phật giáo và Hồi giáo, có lúc biến thành bạo động làm nhiều người chết. Những người Miến dân tộc chủ nghĩa theo Phật giáo chiếm đa số còn gây áp lực để đưa ra những quy định phân biệt đối xử giữa các tôn giáo khác nhau. Ví dụ: vào thời thuộc địa Anh năm 1939, Quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật về kết hôn đặc biệt cho phụ nữ với mục đích ngăn cản phụ nữ Miến Điện cưới đàn ông Hồi giáo.
Trong bối cảnh đó, tướng Aung San (phụ thân của bà Aung San Suu Kyi) đã đóng một vai trò quan trọng, từng mang lại niềm hy vọng về hòa bình cho Myanmar. Ngày 27/01/1947, ông đã ký Hiệp ước Aung San – Attlee với Anh, trong đó Anh công nhận nội các của tướng Aung San là chính phủ Miến Điện lâm thời có quyền lực của một nội các tự, mở đường cho tuyên bố độc lập hoàn toàn một năm sau đó. Tướng Aung San cũng đã chủ trì tổ chức Hội nghị Hòa bình Panlong lần thứ nhất vào ngày 09/02/1947 với sự tham gia của đại diện các nhóm sắc tộc khác nhau để bàn về tương lai cho đất nước. Hiệp định Panlong cũng đã được tướng Aung San ký với lãnh đạo của các nhóm sắc tộc (Shan, Chin, Karen và Kachin), trong đó đảm bảo tự do lựa chọn chế độ chính trị của các nhóm sắc tộc nếu không hải lòng với tình hình đất nước sau 10 năm. Mặc dù vắng mặt, quyền lợi của các nhóm sắc tộc Kayin, Kayah, Mon và Rakhine cũng được Hiệp định đảm bảo dù các nhóm này không tham dự. Tuy nhiên, sự kiện tướng Aung San cùng Nội các bị nhóm vũ trang sát hại vào ngày 19/7/1947 đã đưa con đường tới hòa bình của Myanmar sang một ngã rẽ vô định, gây bao buồn thương cho dân chúng nước này.
Như một định mệnh, ngay sau khi tuyên bố độc lập năm 1948 thì cũng là lúc Myanmar chìm trong nội chiến với sự chống Chính quyền từ những người nổi dậy theo chủ nghĩa cộng sản ở miền Nam, lực lượng ly khai vùng Arakan (Rakhine) phía Bắc, lực lượng người Karen toàn bộ lãnh thổ cực Nam Miến Điện, người Mon liên kết với người Karen chống Chính phủ…Có thể nói những năm 1949 Myanmar tràn ngập nổi loạn. Thủ tướng dân cử đầu tiên của Myanmar U Nu đã không thể kiểm soát nổi toàn bộ tình hình đất nước. Những triết lý nhà Phật đã được U Nu vận dụng vào trong hoạt động quản lý đất nước đã phần nào mang lại những thành tựu nhất định nhưng chính sự sùng bái Phật giáo, có lúc cực đoan của U Nu như việc đưa Phật giáo thành Quốc giáo đã đẩy đất nước càng thêm chia rẽ, gây bất mãn trong các cộng đồng tôn giáo khác.
Dù vậy, chính quyền dân chủ đầu tiên của Myanmar cũng đã tồn tại được hơn một thập kỷ. Sau cuộc đảo chính của Quân đội năm 1962, Quân đội Myanmar lên nắm quyền và bắt đầu một thời kỳ toàn trị, tách biệt với thế giới nhưng tình trạng chiến sự luôn tồn tại bên trong đất nước. Sự phá hủy nền tảng giáo dục được thực dân Anh để lại với những trường đại học tốt nhất châu Á và nhiều trường sử dụng Anh ngữ vào thời kỳ đó, cùng với việc ngăn cấm tự do học thuật, không đầu tư cho giáo dục của Chính quyền quân sự, nhất là thời kỳ tướng Ne Win đã giải thích phần nào cho sự suy tàn, lạc hậu của Myanmar sau này. Khó khăn, lạc hậu và sự quyết liệt cố hữu trong tướng lĩnh quân đội chỉ làm cho Myanmar vốn chia rẽ về sắc tộc và tôn giáo càng thêm chia rẽ.
Phong trào dân chủ tại Myanmar bắt đầu quay trở lại, đánh dấu bằng cuộc biểu tình của sinh viên vào 08/8/1988 với hậu quả là hàng nghìn người biểu tình bị bắn chết. Cuộc biểu tình thất bại nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Myanmar cũng chính thức kết thúc với việc Quân đội thành lập Hội đồng Khôi phục trật tự và luật pháp quốc gia (SLORC) để điều hành đất nước. Sau cuộc biểu tình cũng đã đưa tới một nhân vật quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai sau này của Myanmar, đó chính là bà Aung San Suu Kyi. Năm 1988, bà về thăm mẹ, chứng kiến biểu tình và cảm thương số phận của đất nước, bà đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kêu gọi đoàn kết và đứng về những người đấu tranh dân chủ. Tiếng nói của người con gái tướng Aung San – người gây dựng lên Quân đội Myanmar đã làm giới quân sự nước này rúng động. Bà kêu gọi một cuộc đấu tranh lần hai cho nền độc lập quốc gia, một phiên bản mới so với năm 1947. Lo ngại trước khả năng nổ ra cuộc nổi dậy lần nữa, giới tướng lĩnh quân đội đã quản thúc tại gia đối với bà cho đến những năm 1995. Trong những năm 1996-2003, bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD của bà vẫn tiếp tục đối đầu với chính quyền quân sự. Vào năm 2003, trước những cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra, chính quyền quân sự lại tiếp tục giam lỏng, quản thúc tại gia đối với bà cho đến năm 2009. Có thể nói bà Aung San Suu Kyi đã từ bỏ những tiện ích bản thân, không dời khỏi Myanmar để về với gia đình bé nhỏ của mình bên Anh (vì không thể quay lại được) để cùng nhân dân thực hiện đến cùng sự nghiệp dang dở của người cha mình, mang lại một nền dân chủ và hòa bình trên đất Myanmar.
Trước những đấu tranh, áp lực và sự từ bỏ quyền lực của giới quân sự, Myanmar đã chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng từ năm 2010. Hội nghị Hòa bình Panlong thế kỷ 21 là sự nối tiếp của các Hội nghị Hòa bình Panlong trước đây trong một nền dân chủ, được tổ chức vào năm 2016, 2017, 2018 và mới đây là tháng 8/2020 nhằm đưa đến các giải pháp mang lại hòa bình thực sự cho đất nước. Tuy nhiên, hơn 70 năm nội chiến của Myanmar – một cuộc nội chiến dài nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại đã làm cho các bên luôn tồn tại nghi ngờ, mất lòng tin vào nhau và đây là trở ngại lớn nhất cho hòa bình hiện nay. Điều này còn do các phe phái luôn hành động vì lợi ích của chỉ riêng mình. Chính vì vậy, tại Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 lần thứ 4 ngày 21/8/2020 với sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, Quân đội và nhóm các lực lượng vũ trang, bà Aung San Suu Kyi trên cương vị Chủ tịch Trung tâm Hòa bình và Hòa giải quốc gia, Cố vấn Nhà nước đã kêu gọi các bên làm việc cùng nhau trên tinh thần “cho và nhận” và sự từ tâm của tất cả các bên, cũng như trách nhiệm trước Liên bang và thế hệ trẻ đất nước. Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar cũng thúc giục tất cả các bên phải hợp tác trên tinh thần Liên bang để tiến tới hòa bình. Một trong những thành công của Hội nghị Hòa bình Panlong thế kỷ 21 lần này là việc Phần III của Hòa ước Liên bang đã được các bên ký kết. Phần III mô tả chi tiết hình thức Liên bang dân chủ Myanmar hướng tới và đưa ra các các bước thực hiện và những nguyên tắc hướng dẫn cơ bản để đạt được điều này. Nội dung Phần III cũng bao gồm 15 điểm của thỏa thuận khung về thực thi Hiệp định Ngừng bắn toàn quốc. Nội dung của Phần III được đánh giá là sâu về nghĩa và đầy đủ về hình thức, chỉ rõ được con đường và cách thức giải quyết các vấn đề về Hiệp định ngừng bắn toàn quốc và những khó khăn gặp phải khi thực hiện Hiệp định.
Mặc dù Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 vừa qua mang tới nhiều hy vọng nhưng sự không tham dự của một số phe/nhóm vũ trang đòi ly khai, chưa ký Hiệp định Ngừng bắn toàn quốc cho thấy con đường tới hòa bình của Myanmar vẫn còn gian nan mặc dù Chính phủ Myanmar khẳng định vẫn đang tiếp tục thảo luận và tổ chức đàm phán cùng những lực lượng này trong thời gian tới. Cùng với sự đa dạng về sắc tộc hàng đầu thế giới của Myanmar, thật không may cho đất nước này khi Myanmar cũng nằm trong viền đứt gãy, va chạm giữa các nền văn minh khác nhau, trong đó nổi bật là xung đột giữa những người theo Phật giáo theo hướng dân tộc cực đoan và nhóm thiểu số Hồi giáo tại vùng Rakhine.
Các cuộc xung đột vũ trang đã tồn tại và chưa từng giảm nhiệt trong hơn 70 năm qua tại Myanmar, nhiều hơn số tuổi của phần lớn những người đang cầm súng chống lại nhau trên chiến trường. Đối với bà Aung San Suu Kyi, việc dẫn dắt đất nước hướng tới một Liên bang thực sự, bao dung những khác biệt về sắc tộc và tôn giáo là thử thách lớn hơn gấp nhiều lần so với đấu tranh cho dân chủ trước đây như bà từng thừa nhận. Myanmar có được hòa bình hay không vẫn là một câu hỏi. Điều chắc chắn Chính phủ Myanmar có thể làm được lúc này và thiết thực nhất chính là phát huy nền chính trị dân chủ, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, văn hóa và giáo dục cho người dân, đồng thời tiếp tục đối thoại với các bên trên tình thần “cho và nhận”.