| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hiệp hội chè Ấn Độ đề xuất ‘giá sàn tối thiểu’ đối với chè

Hiệp hội Chè Ấn Độ (Indian Tea Association - ITA) đang trong quá trình hoàn thiện đề xuất về “giá sàn tối thiểu” cho chè và sẽ sớm được đệ trình lên chính phủ trung ương.

Trong khoảng 6 tháng trở lại đây, ITA đã thuê công ty tư vấn Ernst & Young và công ty luật Khaitan & Co để phân tích và đưa ra lộ trình phát triển bền vững cho ngành chè. Cơ quan đã đưa ra một đề xuất về giá sàn tối thiểu cho các loại chè đã qua chế biến cũng như giá chè tươi được đánh giá theo chất lượng.

“Đề xuất này không yêu cầu bất kỳ khoản chi tài chính nào từ các chính quyền trung ương, tiểu bang và đảm bảo một mô hình tự bền vững cho tất cả các nhà sản xuất cả quy mô nhỏ và lớn”, Vivek Goenka, Chủ tịch ITA, cho biết tại cuộc họp thường niên của hiệp hội.

Ông nói thêm rằng ngành công nghiệp chè đã có cơ hội trình bày các tài liệu ban đầu cho Bộ trưởng Bộ Thương mại. Hiện tại, ITA đang tham gia với các bên liên quan khác và sẽ hoàn thiện đề xuất trước khi đưa nó lên Bộ Thương mại và chính quyền các bang.

Các thành viên ITA đóng góp khoảng 400 triệu kg (chiếm hơn 30%) sản lượng chè và 50 triệu kg chè xuất khẩu trực tiếp. Tổng sản lượng toàn ngành chè  đạt 1.258 triệu kg vào năm 2020.

Chủ tịch ITA, ông Goenka cho biết với mức sản xuất hiện tại, doanh thu ước tính của ngành vào khoảng 22.000 Rs crore. “Nếu ngành công nghiệp này muốn tồn tại, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người tiêu dùng và cung cấp tỷ suất hoàn vốn (Return On Investment - ROI) hợp lý cho các nhà đầu tư, thì tổng doanh thu của ngành công nghiệp phải tăng đáng kể lên 35.000 Rs crore” ông cho biết thêm.

Chủ tịch ITA chỉ ra rằng sự gia tăng này không thể xảy ra bằng cách tăng sản lượng hơn nữa mà là do tăng giá. Ông nói: “Nếu không tăng giá, người sản xuất chè cũng không thể duy trì và cũng không thể tạo ra những loại chè chất lượng”.

Trước đó, trong một lần phát biểu trước báo chí, Goenka cho biết 50% chè tại các cuộc đấu giá bán dưới 200 Rs/kg, thấp hơn giá thành sản xuất của nhiều khu vực sản xuất.

Theo Goenka, giá chè ở Ấn Độ hiện vẫn chưa bù đắp được sự gia tăng của chi phí sản xuất. Trong 10 năm qua, giá tăng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 4% trong khi tỷ lệ tăng giá các nguyên liệu đầu vào hàng năm là từ 9 đến 12%.

Đại dịch Covid-19 đã khiến giá cả tăng mạnh vào năm 2020, nhưng sau đó giá đã giảm. Trong ba thập kỷ qua, giá thực tế của chè ở Ấn Độ (giá đấu giá trung bình được điều chỉnh theo lạm phát) đã giảm xuống củng cố nhu cầu về giá sàn.

Ngành chè và bài toán xuất khẩu

Tuy nhiên, ông giải thích rằng giá sàn đối với chè không phải là giá hỗ trợ tối thiểu mà là giá sàn của các loại chè được bán trong các cuộc đấu giá.

Hoạt động xuất khẩu sụt giảm là một trong những thử thách quan trọng mà ngành chè Ấn Độ đang phải đối mặt. Xuất khẩu năm 2018 đạt 256 triệu kg và năm 2020 là 208 triệu kg, con số này sụt giảm xuống ở mức 180 triệu kg vào năm 2021.

Goenka cho biết tại Đại hội cổ đông (Annual General Meeting - AMG), “Cần lưu ý rằng sản lượng chè ngày càng tăng ở Ấn Độ, chúng tôi phải đặt mục tiêu đạt khối lượng 350 triệu kg trong vòng 3-4 năm tới để đảm bảo cung và cầu được giữ ở trạng thái cân bằng”.

Goenka cho rằng cần phải tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến khích sản xuất Chè chính thống Tea Board (Tea Board Orthodox Incentive Scheme). Mục tiêu đưa sản lượng chè xanh, chè chính thống của Ấn Độ chiếm khoảng 11% lượng chè xuất khẩu toàn cầu trong khi thị phần chè xanh, chè chính thống trên toàn cầu là 60%.

Thủ hiến bang Assam, ông Himanta Biswa Sarma, thành viên của Hội đồng quản trị, đã thúc giục ngành công nghiệp tận dụng Đề án khuyến khích đặc biệt cho ngành chè Assam được đưa ra vào năm 2020, bao gồm việc hỗ trợ lãi suất đối với vốn lưu động, trợ cấp sản xuất cho chè chính thống và trợ cấp cho chè chính thống và các sản phẩm đặc sản. Thủ hiến bang Assam cũng cho biết, chính phủ muốn giúp đỡ các vườn chè trong việc phát triển các khu du lịch chè.

Nội dung liên quan