| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tìm hiểu đôi nét nước Cộng hoà Tô-gô

I. Giới thiệu chung Cộng hoà Tô-gô là một nước nhỏ nằm ở Tây Phi, trông ra Vịnh Ghi-nê, có biên giới chung với Burkina Faso ở phía Bắc, Bénin ở phía Đông và Ghana ở phía Tây. Tô-gô có diện tích 56 785km2, thủ đô là Lomé, dân số khoảng 5,8 triệu người (2005). Tăng trưởng dân số trung bình 2,5% mỗi năm. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp. Các tiếng Ewé, Kabyè và Mina là những ngôn ngữ quốc gia được người dân sử dụng nhiều nhất. Đồng tiền quốc gia là Franc CFA (1 USD = 522,59 FCFA năm 2006).

 

 

Các thành phố chính là Lomé (1 triệu dân) - thủ đô đồng thời là trung tâm công nghiệp và thương mại chính của đất nước, Atakpamé (252.000 dân), Sokodé (88.000 dân). Số dân đô thị chiếm 35%. Các nhóm dân tộc chính là Ewé (20%), Kabyè (16%), Watchi (8,3%), Tem (4,6%)… Các tôn giáo chủ yếu là Bái vật giáo (50%), Thiên Chúa giáo (26%), đạo Hồi (15%) và đạo Tin Lành (9%). Tuổi thọ trung bình của người dân là 54,3 tuổi, tỷ lệ biết chữ ở người lớn (trên 15 tuổi) là 53%. Chỉ số phát triển con người là 0,512, xếp hạng 143/177 (theo báo cáo của Chương trình phát triển LHQ 2005).

 

Tô-gô thực sự là một « dây rốn kinh tế », một đường giao thông tự nhiên nối vịnh Ghinê với những nước nằm cạnh sa mạc Xahara. Tô-gô có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, những vùng núi xanh tươi và cả những đồng bằng cằn cỗi và bờ biển cát mịn. Từ Bắc sang Nam, dãy núi dài Atakora chạy chéo qua Tô-gô đến tận Ghana và Bénin. Dãy núi này có đỉnh Agou cao 986m. Những con sông lớn chảy theo hướng từ Bắc xuống Nam là Koumongou, Kéran, Kara và Mô.

 

Về tài nguyên thiên nhiên, Tô-gô có dầu lửa ở ngoài khơi và đá cẩm thạch, măng-gan, đá vôi, sắt, than bùn, vàng, uranium và những mỏ phốt phát rất lớn (chiếm trên 40% thu xuất khẩu).

 

Tô-gô đứng thứ tư về sản xuất phốt phát trên thế giới. Việc khai thác phốt phát được tiến hành tại các mỏ lộ thiên ở Hahoté và Akoupané. Nhà máy chế biến nằm tại Kpémé gần một bến cảng lớn (dài 1200m) và có công suất 3,4 triệu tấn/năm.

 

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chính sách đa dạng hoá để không phụ thuộc vào sản phẩm phốt phát nữa. Các hoạt động tìm kiếm địa chất đang tiến hành, chủ yếu là thăm dò kim cương và kẽm.

 

Tô-gô có khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam: Gió đại dương ẩm ướt mang theo mưa, gió khô đôi khi gây ra hạn hán.

 

Mật độ dân số cao tại Tô-gô đã dẫn đến nhu cầu về củi đun tăng, gây ra tình trạng phá rừng thuộc loại cao nhất châu Phi.

 

II. Lịch sử

 

Tên Tô-gô có nguồn gốc từ Togoville. Ngày 4-5/7/1884, Vua M’lapa III đã ký với Gustav Nachtigal, phái viên mật của Đức đồng thời là nhà thám hiểm Hiệp ước bảo hộ thuộc Đức. Tuy nhiên, lịch sử hiện đại của Tô-gô chủ yếu được đánh dấu bởi thời kỳ hai Vương quốc Dahomey và Vương quốc của người Ashanti kể từ thế kỷ 17. Từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 17, dần dần người Ewé và những cư dân sống ở các phá ven biển đã tới đây, tiếp đến là người Kabyé, người Kotokoli…

 

Vùng ven biển của Tô-gô là nơi sinh sống của người Ewés, sau đó người Bồ Đào Nha đến thám hiểm vào thế kỷ 15 và kể từ thế kỷ 16, bắt đầu hoạt động buôn nô lệ da đen tại đây. Sau người Bồ Đào Nha là người Hà Lan và mãi đến thế kỷ thứ 19, việc buôn bán nô lệ trên bờ biển Tô-gô mới chấm dứt.

 

Việc khai thác thuộc địa chỉ thực sự bắt đầu khi ký Hiệp ước bảo hộ và người Đức đến Tô-gô vào cuối thế kỷ 19. Người Đức ở lại nước này đến tận năm 1914. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, lãnh thổ Tô-gô bị chia cắt giữa quân đồng minh Anh và Pháp. Theo Hội Quốc Niên (Liên Hiệp quốc khi đó), phần phía Tây của Tô-gô do Anh quản lý và phần phía Đông đặt dưới sự uỷ trị của Pháp. Phần phía Bắc của Tô-gô thuộc Anh sáp nhập với Ghana vào năm 1956. Phần Tô-gô thuộc Pháp đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp quốc năm 1946. Tô-gô giành được độc lập từ Pháp ngày 27/4/1960.

 

III. Chính trị và các thể chế

 

Ngày 9/4/1961, Sylvanus Olympio trở thành Tổng thống đầu tiên của CH Tô-gô lãnh đạo đất nước trong vòng 2 năm. Ngày 13/1/1963, Sylvanus Olympio bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự và được thay thế bằng Nicolas Grunitzky. Năm 1967, cuộc đảo chính thứ hai đã đưa trung tá Etienne Eyadéma, sau này là đại tướng, lên đứng đầu đất nước. Tổng thống Etienne áp dụng một chế độ độc tài trong gần 38 năm, bóp nghẹt phe đối lập mặc dù đã có nhiều ý kiến phản đối ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

 

Đầu tháng 10/1990, đất nước đã trải qua những biến động sâu sắc. Hoạt động phản kháng lớn đầu tiên chống lại chế độ của tướng Etienne Eyadéma diễn ra ngày 5/10/1990, tiếp đến là cuộc đình công của sinh viên và các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức. Cuối cùng, vào tháng 8/1991, một Hội nghị quốc gia đã được tổ chức và bầu ra một Hội đồng Cộng hoà cấp cao (HCR), thiết lập một chế độ nửa tổng thống, bổ nhiệm một thủ tướng quá độ, ông Kokou Koffigoh. Nhưng vào tháng 12/1991, xe tăng đã nã đạn vào toà nhà đặt trụ sở của thủ tướng và tướng Etienne Eyadéma đã giành lại quyền lực.

 

Các cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào năm 1993, 1998 và 2003 dẫn tới việc tẩy chay nhiều đảng chính trị của phe đối lập. Các đảng phái này cáo buộc việc tổ chức bầu cử chỉ là trò lừa bịp và cộng đồng quốc tế cũng nghi ngờ tính hợp pháp của các cuộc bầu cử này. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu quyết định ngừng hợp tác với Tô-gô. Tuy nhiên, năm 2004, sau khi tướng Etienne Eyadéma thông báo và cam kết tổ chức bầu cử quốc hội tự do và công khai vào năm 2005 và dưới sự thúc đẩy của Pháp, tiến trình bình thường hoá quan hệ hợp tác giữa EU và Tô-gô đã được bắt đầu. Nhưng đến ngày 5/2/2005, Tổng thống Etienne Eyadéma qua đời, Tô-gô một lần nữa lại rơi vào các cuộc xung đột giữa quân đội và những người theo lực lượng đối lập. Tháng 5/2005, Faure Eyadéma, con trai của cựu tổng thống vừa mất đã trở thành nguyên thủ của Tô-gô.

 

Tô-gô thực hiện chế độ đa đảng với 15 đảng chính trị khác nhau. Tuy nhiên từ năm 1967 đến nay, Liên minh đảng nhân dân Tô-gô (RPT) của cố tổng thống Eyadema luôn nắm quyền.

 

Trong hệ thống chính trị, đứng đầu Nhà nước là Tổng thống, đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Tổng thống do dân bầu ra nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng do Tổng thống chỉ định. Hội đồng Bộ trưởng do Tổng thống và Thủ tướng chỉ định.

 

Quốc hội theo chế độ một viện, gồm 81 ghế. Các đại biểu Quốc hội do dân bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm.

 

Hệ thống toà án gồm Toà Phúc thẩm, Toà Tối cao (theo mô hình của Pháp).

 

Về mặt hành chính, Tô-gô được chia làm 5 vùng (gồm 31 tỉnh, thành phố) :

 

Vùng biển có thủ phủ là Lomé

Vùng cao nguyên, thủ phủ là Atakpamé

Khu vực miền Trung, thủ phủ là Sokodé

Vùng Kara, thủ phủ là Kara

Vùng Savanes (trảng cỏ), thủ phủ là Dapaong.

 

 

Thương Vụ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan