| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Canada 9 tháng năm 2024

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang Canada đã đạt trên 4.6 tỷ USD, tăng 11.4% so với cùng kỳ năm 2023.

Mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang ghi nhận giảm so với các tháng trước. Kể cả nếu mức tăng trưởng này vẫn được duy trì, dự kiến theo số liệu Việt Nam, đến cuối năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn chưa phục hồi được về mức 7 tỷ của năm 2022.

Theo số liệu của Việt Nam, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang địa bàn sau dệt may là điện thoại và linh kiện đang sụt giảm rất mạnh, tới 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 9 tháng năm 2024, Việt Nam mới xuất khẩu được 409 triệu USD nhóm HS 85 trong khi đó, các năm trước, Việt Nam thường xuất khẩu tới trên 900 triệu USD/năm. Việc sụt giảm bất thường của nhóm hàng này đang là yếu tố khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn không được như kỳ vọng. Trong top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang địa bàn, phương tiện vận tải và túi xách cũng sụt giảm, lần lượt là 21.4% và 0.5%. Các mặt hàng khác tuy vậy vẫn ghi nhận  mức tăng 2 chữ số. Cá biệt máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng có mức tăng đến 3 chữ số (109%); sản phẩm điện tử cũng có mức tăng tốt lên đến 36.9% và 2 sản phẩm này đang là sản phẩm chủ đạo dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn năm 2024. Trong khi đó, các mặt hàng truyền thống có giá trị xuất khẩu cao trước đây như dệt may, thuỷ sản, điện thoại, giày dép, gỗ nội thất dù có mức tăng 2 chữ số vẫn chưa phục hồi được nhịp xuất khẩu của năm 2022, do đã giảm rất sâu trong năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm, đáng lưu ý sắt thép và các mặt hàng sắt thép cũng có sự tăng trưởng trở lại so với năm 2023, có lẽ là do tác động của việc áp thuế của Canada lên toàn bộ các mặt hàng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến sự chuyển dịch này. Các sản phẩm nông sản cũng có sự tăng trưởng tốt: hạt điều tăng 25.6%, rau quả tăng 44%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 37.6%, hạt tiêu tăng 97.6%. 

Theo số liệu sở tại vừa công bố ngày 7/10/2024, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 6.9 tỷ USD vào địa bàn (tăng 8.9% so với cùng kỳ năm 2023 và là tháng tăng thứ bảy liên tiếp kể từ tháng 2/2024, đáng lưu ý là đà xuất khẩu có dấu hiệu bật tăng cao hơn so với mức tăng 7.9% hồi tháng 7, thể hiện các đơn hàng nhập khẩu tăng để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm). Sản phẩm điện máy (bao gồm điện thoại và thiết bị âm thanh) tiếp tục giảm, đạt xấp xỉ 2 tỷ USD (-11.6%); một số sản phẩm chủ lực khác của Việt Nam như hàng dệt may vẫn ghi nhận giảm -3.2% và hàng da giày túi xách giảm -8%. Trong khi đó lò phản ứng và các máy móc chính xác vẫn có sự gia tăng đáng kể, tăng 80.7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.3 tỷ USD và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam sang địa bàn. Trong tháng 8, đáng lưu ý các sản phẩm xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam như hàng dệt kim, da giày bắt đầu có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 3.4% (HS61), 1.5% (HS 64). Ngoài ra các sản phẩm khác xuất khẩu chủ lực khác như nội thất (20.6%), sản phẩm sắt thép (103.7%), đồ chơi (1.3%) vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Đáng lưu ý, theo số liệu địa bàn, các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam cũng có sự phục hồi khá tốt: thuỷ sản (27.7%), trái cây (13.3%), chè cà phê (7.7%), thuỷ sản chế biến (7.3%), rau củ chế biến (24.3%).  Các mặt hàng khác như nhựa (40.3%), cao su (40.4%) , tàu thuyền (20.6%), nhôm (11.4%), đồng (65.9%), vật liệu xây dựng (47.3%) tiếp tục có mức tăng trưởng tích cực. 

Trong năm 2024, đồng đô la Canada vẫn mất giá đáng kể so với đồng đô la Mỹ, hiện ở mức 1,3475 đổi một đô la Mỹ, hay 1 đô la Canada tương đương 74,21 xu Mỹ. Việc đồng đô la Canada mất giá làm hàng Việt Nam trở nên đắt đáng kể do hàng xuất khẩu Việt Nam sang địa bàn vẫn được ký kết bằng đồng đô la Mỹ, làm cho hàng Việt Nam trở nên kém cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh người dân thắt lưng buộc bụng. Phân tích kinh tế ở phần 1 cho thấy triển vọng giữ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn trong những tháng cuối năm khá khó khăn. Do tình trạng thiểu phát, sản xuất ngưng trệ, các doanh nghiệp ngưng đầu tư, gia tăng tình trạng phá sản và thất nghiệp cùng với đó là việc thu nhập bình quân đầu người giảm, chi phí thế chấp cao làm cho người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu, giảm cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Mặc dù vậy, việc kiểm soát tốt lạm phát đã giúp tiền lương của Canada có nhiều sức mua hơn (tăng tiền lương vượt lạm phát trong 18 tháng liên tiếp), giúp lòng tin tiêu dùng của Canada năm 2024 đã cải thiện hơn năm 2023 (dù vẫn dưới 50 điểm) và đây có thể là động lực cốt lõi giúp Việt Nam giữ được mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào địa bàn.

Thương vụ Việt Nam tại Canada

Nội dung liên quan