Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính đến hết tháng 11 năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét đạt 446,4 triệu USD, tăng tới 42,3% so với cùng kỳ năm 2012 (đạt 313,8 triệu USD).
Tính riêng trong tháng 11 năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt xấp xỉ 47 triệu USD, tăng tới 74% so với tháng 11 năm ngoái (đạt 27 triệu USD).
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Băng-la-đét trở nên ngày càng đa dạng hơn.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Băng-la-đét
Mặt hàng |
Tháng 11 năm 2013 |
11 tháng năm 2013 |
Xơ, sợi dệt các loại |
2.589.830 |
33.599.519 |
Hàng dệt, may |
1.925.044 |
19.549.652 |
Nguyên phụ liệu dệt may, da giày |
689.466 |
9.770.977 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác |
685.596 |
8.661.984 |
Sắt thép các loại |
534.245 |
7.375.086 |
Sản phẩm từ chất dẻo |
365.639 |
5.011.069 |
Chất dẻo nguyên liệu |
180.365 |
3.767.476 |
Sản phẩm từ cao su |
82.830 |
2.777.570 |
Nguồn: Tổng Cục Hải quan
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có kim ngạch tăng trưởng tốt, bao gồm: mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 33,6 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 27,8 triệu USD); mặt hàng dệt may đạt 19,6 triệu USD, tăng 20,2% (11 tháng 2012 đạt 16,3 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 8,7 triệu USD, tăng 42,6% (6,1 triệu USD).
(Hình ảnh mang tính chất minh hoạ)
Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm sút, đáng kể nhất là mặt hàng sắt thép các loại. Tính đến hết tháng 11 năm 2013, mặt hàng này chỉ xuất khẩu được 7,4 triệu USD, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước (đạt 14,9 triệu USD). Ước tính đến hết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Băng-la-đét đạt khoảng 500 triệu USD.
Băng-la-đét là thị trường lớn ở khu vực các nước Nam Á, có dân số trên 161 triệu người và có sức tiêu thụ mạnh đối với nhiều loại hàng hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội khai thác thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Thêm vào đó, hiện nay, Băng-la-đét đang nỗ lực và khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước nhằm tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ (giá nhân công của Băng-la-đét thuộc loại rẻ nhất trong khu vực), giá thuê đất thấp, các chính sách khuyến khích đầu tư thuận lợi. Vì vậy, bên cạnh hoạt động trao đổi thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét cơ hội đầu tư sản xuất tại Băng-la-đét trong lĩnh vực như dệt may, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp..... để phục vụ nhu cầu trong nước của Băng-la-đét và đối với riêng đối với lĩnh vực dệt may còn có thể xuất khẩu sang nước thứ ba (nhất là tận dụng được những ưu đãi thương mại mà EU dành cho Băng-la-đét).
Lê Phương