Do lạm phát cao và người tiêu dùng Anh thắt chặt chi tiêu, hoạt động xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Anh trong 6 tháng năm 2023 đạt gần 80 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này tới Anh vẫn rất khả quan bởi Anh là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 toàn cầu.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh trong tháng 7/2023 đạt 13,3 triệu USD, giảm 10,4% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh đạt 106 triệu USD, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Anh trong nửa đầu năm 2023.
Theo Bản tin Thị trường nông, lâm, thủy sản (Bộ Công Thương) ra ngày 20/8/2023, do lạm phát cao và người tiêu dùng Anh thắt chặt chi tiêu, do đó hoạt động xuất khẩu mặt hàng này tới Anh chịu tác động, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường Anh trong 6 tháng năm 2023 đạt 80 triệu USD, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù vậy, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này tới Anh vẫn rất khả quan, bởi Anh là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 trên toàn cầu. Trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trung bình đạt 4,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018 – 2022, trong đó trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 7,9% trong tổng trị giá (theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế).
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn mới của thị trường và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp; Sử dụng các phương tiện, công cụ marketing số hiện đại để tăng cường quảng bá sản phẩm; Tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Anh; Chuẩn bị lộ trình chuyển đổi sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới của Anh về giảm phát thải, chống mất rừng và suy thoái rừng.