Sau 75 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Cộng hoà Séc đã thiết lập nền tảng quan hệ vững chắc trên tinh thần tôn trọng và hợp tác hữu nghị trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) đã và đang đem lại cho cả Việt Nam và Cộng hoà Séc những lợi ích thực chất về kinh tế-thương mại-đầu tư. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Cộng hòa Séc trong ASEAN. Ngươc lại, Cộng hoà Séc là nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, công nghiệp phát triển mạnh, thịnh vượng trong số các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Đông Âu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam và Cộng hòa Séc là 2 nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, Cộng hòa Séc là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới về cơ khí, máy móc, xe ô tô, xe tải, đầu máy xe lửa, động cơ tàu thuỷ, thiết bị quốc phòng và nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng mà Việt Nam có nhu cầu lớn.
Thương vụ Việt Nam tại Séc cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong năm 2025 có xu hướng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu từ Việt Nam sang Cộng hòa Séc.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đã đạt mức 548,646,934 triệu USD, với xuất khẩu đạt 495,228,465 triệu USD và nhập khẩu 53,418,469 triệu USD.
Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, đạt tỷ lệ tăng trưởng 62,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu của Việt Nam sang Séc theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Séc là nhờ vào các thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Cộng hòa Séc, đã giúp thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường này.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử và thủy sản, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường Séc.
Hơn nữa, nền kinh tế Séc có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp.
Đông Âu- Thị trường mới đầy tiềm năng
Trong bối cảnh thuế xuất khẩu vào Mỹ gia tăng, Bộ Công Thương nhận định Séc và Đông Âu là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam.
Séc là thành viên của EU, với Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang Séc với thuế suất giảm mạnh, tạo lợi thế lớn so với các đối thủ ngoài EU.
Cộng hòa Séc đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng vào EU, giúp các sản phẩm Việt Nam dễ dàng tiếp cận không chỉ với Séc mà còn với các thị trường EU khác.
Các mặt hàng như quần áo, giày dép từ Việt Nam có thể dễ dàng tìm thấy chỗ đứng tại Séc nhờ vào chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Thực phẩm chế biến sẵn, trong đó thực phẩm hữu cơ và thực phẩm truyền thống của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Séc.
Ngoài ra, Séc có nhu cầu lớn về các sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu này bằng các sản phẩm công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh Séc, các quốc gia Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và các nước khác, có nền kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng và đang trong quá trình hội nhập sâu với EU... đây là những thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Séc, các quốc gia Đông Âu có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các quốc gia ngoài EU, đặc biệt là Việt Nam đang gia tăng. Các sản phẩm dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến sẵn, điện tử và nguyên liệu công nghiệp là những mặt hàng có thể tìm thấy thị trường tại các quốc gia Đông Âu.
Cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm và chiến lược marketing
Chính sách thuế đối ứng của Mỹ và sự chuyển hướng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường mới, đặc biệt là Cộng hòa Séc và Đông Âu mở ra nhiều cơ hội mới.
"Séc và các quốc gia Đông Âu sẽ là những thị trường quan trọng giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tăng trưởng xuất khẩu trong những năm tới", Thương vụ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thách thức cũng lớn khi các quốc gia Đông Âu có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác trong khu vực và ngoài khu vực, đặc biệt là từ các nhà sản xuất trong EU và các quốc gia Đông Âu.
"Do tác động của chính sách thuế Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, đặc biệt là Cộng hòa Séc và Đông Âu. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro từ sự bất ổn trong thương mại Mỹ - Việt", Thương vụ Việt Nam tại Séc khuyến nghị.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về chất lượng sản phẩm, chiến lược marketing và tận dụng các ưu đãi từ EVFTA để duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh thay đổi của thương mại toàn cầu.
Nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường này. Cải thiện chiến lược marketing và xây dựng thương hiệu để cạnh tranh tốt hơn.
Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để giảm thuế quan, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường châu Âu.
Thương vụ Việt Nam tại Séc cho rằng doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường đối với các sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm tiêu dùng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố mối quan hệ với các đối tác, tham gia vào các hội chợ thương mại và sự kiện quốc tế tại Séc để mở rộng thị trường.
Các cơ quan xúc tiến thương mại cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác và mở rộng mạng lưới khách hàng tại các quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.