Năm 2024, Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 4,5% (kế hoạch năm 2023 là 4,2%), GDP bình quân đầu người đạt 1.787 USD⁄ người, GNI đạt 1.668 USD; Công nghiệp tăng 5%, chiếm 32,4% GDP; Nông nghiệp tăng 2,6% chiếm 20,8% GDP; Dịch vụ tăng 4,8% chiếm 36,1% GDP; Thuế tăng 3,9% chiếm 10,7%. Năm 2024, Chính phủ Lào đặt mục tiêu thu hút 6,2 triệu lượt khách du lịch, thu 1,3 tỷ USD.
Về mục tiêu tăng trưởng 4,5%, hạ tỷ lệ lạm phát từ mức gần 30% năm 2023 xuống còn 1 con số (9%) vào năm 2024, duy trì tỷ giá hối đoái ở mức thuận lợi đây là những mục tiêu kinh tế vĩ mô khá cao trong bối cảnh Lào đang phải đối mặt với những thách thức do các yếu tố cả từ nội tại và bên ngoài, những khó khăn kinh tế, tài chính tích tụ mà Lào phải đương đầu trong nhiều năm qua sẽ khiến việc hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2024 trở nên khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và WB dự báo tăng trưởng kinh tế Lào trong năm nay chỉ ở mức 4-4,1%.
Một số chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của Lào 6 tháng đầu năm 2024:
- Tăng trưởng kinh tế (GDP): Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Lào tại kỳ họp thường kỳ lần thứ 7 Quốc hội khóa IX: 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế Lào ở mức 4,7%, ước đạt 148.043 tỷ Kíp tương đương 6,73 tỷ USD (Nghị quyết Quốc hội thông qua 4,5%). Các nhân tố chính thúc đẩy GDP tăng trưởng bao gồm ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn và nhà hàng, vận tải, bán buôn-bán lẻ. Việc phát động năm du lịch Lào 2024 và tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến năm Lào làm chủ tịch Asean đã mang lại lợi ích cho các hoạt động kinh tế. Ngoài ra, việc mở rộng các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và xây dựng cũng có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, trong đó nông nghiệp tăng trưởng 4,3%, công nghiệp tăng 4,2%, dịch vụ tăng 5,7% và hải quan-thuế hàng hóa tăng 4%.
- Thu ngân sách: theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào về việc tổ chức thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực tác động từ tăng trưởng kinh tế trong nước, các hoạt động nhân năm du lịch Lào 2024, tăng trưởng đầu tư nước ngoài, điều chỉnh chính sách ngăn chặn thất thoát ngân sách, áp dụng phương thức quản lý nguồn thu hiện đại.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 25.957 tỷ Kíp (1,18 tỷ USD), tương đương 52% kế hoạch năm, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, tăng khoảng 10.165 tỷ Kíp (462 triệu USD), trong đó, nguồn thu ngân sách không từ hải quan, thuế là 2.770 tỷ Kíp, tương đương 81,15% kế hoạch năm; nguồn thu từ hỗ trợ 1.854 tỷ Kíp, tương đương 36,42% kế hoạch năm. Về thu ngân sách địa phương nổi bật là tỉnh Xay-sổm-bun vượt kế hoạch 136% do nguồn thu đến từ ngành năng lượng điện và khoáng sản.
Ước 6 tháng đầu năm 2024 phấn đấu thu ngân sách đạt 28.005 tỷ Kíp (1,27 tỷ USD), tương đương 112% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 56% kế hoạch cả năm.
- Lạm phát và tỷ giá: Nền kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn sự thiếu ổn định, lạm phát ở mức cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, năm 2023 tỷ lệ lạm phát trung bình ở mức 31,2%, 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lạm phát trung bình 25,1% (tháng 5 là 25,8%) và ước 6 tháng đầu năm ở mức 25% (Nghị quyết Quốc hội không vượt quá 9% hoặc một con số). Trong tháng 5⁄2024 tỷ lệ lạm phát cao đối với một số nhóm hàng như: nhóm chăm sóc y tế và dược tăng 38,5%; nhóm nhà hàng, khách sạn tăng 36,6%; nhóm hàng may mặc và giày dép tăng 31,3%; nhóm hàng rượu và thuốc lá tăng 29,6%; nhóm giao thông và vận tải tăng 27,7%; nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng 28,4%..; nếu so sánh giá hàng hóa từng tháng thì tháng 5 giá hàng hóa có sự biến động tăng hơn so với giai đoạn cuối năm 2023, nguyên nhân làm cho lạm phát trong tháng 5 tăng do chi phí đầu tư tăng trong khi tỷ giá hối đoái và giá nhiên liệu suy yếu, môi trường sản xuất nông nghiệp, khí hậu thời tiết nóng lên ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp, một số nhà sản xuất phải ứng phó với điều kiện thời tiết bằng việc sử dụng chi phí đầu tư cao để vận hành sản xuất làm cho mức giá của nhiều mặt hàng nông nghiệp tăng cao.
Nguyên nhân làm cho tỷ lệ lạm phát tăng cao: (i) số nợ công và nợ có bảo lãnh lên đến 120% GDP năm 2023, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài ở mức cao (trung bình 1,3 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2024-2027, một nửa trong số đó là nợ TQ; cân đối nguồn tiền ngoại tệ để thanh toán nợ vẫn thiếu; (ii) Lào là nước chủ yếu nhập khẩu, nên cần lượng ngoại tệ lớn. Đến nay mặc dù rất nhiều chỉ đạo của chính phủ để tăng cường sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, nhưng tỷ lệ NK vẫn gia tăng liên tục (2022 NK 7,24 tỷ USD; 2023 7,64 tỷ USD).
Về tỷ giá hối đoái mặc dù Chính phủ đã có những động thái tháo gỡ, tuy nhiên chưa cho thấy tính hiệu quả khi đồng tiền địa phương vẫn tiếp tục trên đà mất giá mạnh, tính riêng tháng 5 năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, đồng Kíp so với đồng Đô la tỷ lệ mất giá là 3,98%, so với đồng Bath Thái Lan là 2,96%, với VNĐ tỷ giá gần như tương đương. Mục tiêu quan trọng Chính phủ Lào đề ra trong 6 tháng cuối năm phải kiểm soát tỷ giá, giữ vững sự ổn định của đồng tiền nội địa, giải quyết vấn đề niềm tin của xã hội trong việc nắm giữ đồng Kíp thông qua các chính sách tiền tệ phù hợp, phát triển hệ thống thanh toán hiệu quả kết nối hệ thống thanh toán trong nước với quốc tế, khuyến khích việc sử dụng tiền Kíp đối với các nước đối tác thương mại.
- Thương mại: Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương Lào, tổng kim ngạch thương mại của Lào với thế giới năm 2023 đạt 15,5 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2022 (14,9 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022 (8,1 tỷ USD); nhập khẩu đạt 7,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2022 (6,7 tỷ USD). Điểm nổi bật năm 2023 là Lào xuất siêu 1,1 tỷ USD. Đối tác thương mại chính của Lào năm 2023: đứng đầu là Thái Lan với tổng kim ngạch XNK đạt 5,5 tỷ USD, giảm 12,9% so với năm 2022 (6,3 tỷ USD); tiếp đến là Trung Quốc với tổng kim ngạch XNK đạt 4,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2022 (3,8 tỷ USD).
5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại của Lào với thế giới đạt 6,52 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023 (6,23 tỷ USD). Lào nhập siêu 218 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Lào đạt 3,15 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2023 (3,57 tỷ USD), nhập khẩu đạt 3,37 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023 (2,66 tỷ USD).
Đối tác thương mại chính của Lào trong 5T⁄2024: đứng đầu là Trung Quốc (2,32 tỷ USD, tăng 42,3%, chiếm 35,6% tổng kim ngạch XNK của Lào); tiếp đến là Thái Lan (2,22 tỷ USD, giảm 14%, chiếm 34%); Việt Nam (779,6 triệu USD, tăng 11%, chiếm 12%).
- Đầu tư, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa IX, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng mức đầu tư đạt 17.469,36 tỷ Kíp (khoảng 796 triệu USD), tương đương 30,8% kế hoạch. Trong đó, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 1.051 dự án, trị giá 904,47 tỷ Kíp, tương đương 18,08% kế hoạch, ước 6 tháng đầu năm thực hiện 2.450 dự án, tương đương 49% kế hoạch. Về đầu tư từ các dự án ODA trong 3 tháng đầu năm thực hiện 2.245,89 tỷ Kíp, tương đương 104,46 triệu USD, tương đương 15% kế hoạch và ước 6 tháng đầu năm thực hiện được 34%.
Đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài 3 tháng đầu năm đã phê duyệt 6.007 dự án, trị giá 11.029,5 triệu USD, vốn thực tế thực hiện 666 triệu USD, tương đương 44,15% kế hoạch.
- Để giải quyết những khó khăn về kinh tế cũng như triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, Chính phủ Lào ban hành Nghị quyết về phân công nhiệm vụ xây dựng kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu; giải quyết nợ nước ngoài; kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, đầu tư nhiều hơn qua hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh hiện đại hóa trong thu ngân sách đi đôi với giải quyết triệt để các lỗ hổng ngân sách; thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư lớn liên quan đến năng lượng và khai thác khoáng sản.