| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Một số tin kinh tế đáng chú ý đầu năm 2016 ở Đức

Thương vụ Việt Nam tại Đức xin tóm tắt một số thông tin kinh tế đáng chú ý đầu năm 2016 ở Đức để bạn đọc tham khảo

1) Người tỵ nạn và vấn đề thiếu lao động ở Đức (N-TV 03/1/2016)
Theo giới lãnh đạo kinh tế Đức, người tỵ nạn có thể bổ sung vào sự thiếu hụt nhân lực của Đức nếu các nhà chính trị tạo khuôn khổ cho việc đó thông qua việc bổ sung ngân sách cho việc hội nhập và cấp giấy phép cư trú dài hạn cho họ. TGĐ Thyssenkrupp Heinrich Hiesinger, Chủ tịch Hiệp hội thủ công Hans Peter Wollseifer và Phó Chủ tịch CDU cùng quan điểm như vậy và nhấn mạnh, để hội nhập tốt ngay cả trong lĩnh vực việc làm thì điều quan trọng là phải tôn trọng những giá trị cơ bản của xã hội cũng như văn hóa Đức.

Bộ trưởng lao động Andrea Nahles ủng hộ phương án tạo những cơ hội việc làm cho người tỵ nạn, như „ein-euro-jobs“ (công việc 1 euro). Nhiều người tỵ nạn hàng tháng trời không làm gì cả trong khi ở địa phương không thiếu việc; có thể tính phương án không áp dụng lương cơ bản đối với người tỵ nạn.

Chủ tịch Hiệp hội thủ công nói : họ đều là những người trẻ tuổi, có động lực nên chúng tôi sẵn sàng đào tạo và nâng cao tay nghề cho họ vì trong lĩnh vực thủ công đang thiếu lao động (40% các cơ sở sản xuất đang thiếu người).

Chủ tịch DIW Fratzscher yêu cầu phải có thỏa thuận giữa giới kinh tế và chính trị, theo đó doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người tỵ nạn và chính trị phải giúp đỡ doanh nghiệp nhiều hơn. Ông cũng không cho rằng người tỵ nạn cạnh tranh việc làm với người bản địa vì trong nấc thang việc làm người lao động Đức sẽ được đẩy lên nấc thang cao hơn, còn những việc giản đơn sẽ do người tỵ nạn làm.

Ifo Institut in Müchen dự tính 2016 cần 21 tỷ euro cho việc hội nhập người tỵ 
nạn.

2) Về mức lương cơ bản : Sau một năm triển khai mức lương cơ bản, Chính phủ Đức đánh giá thành công của dự án này, không dẫn đến việc giảm việc làm ngược lại tăng sức mua, vì khoảng 4 triệu người được tăng thu nhập (từ 01/1/2015 áp dụng lương cơ bản 8,5 eur)

3) Bê bối của hãng xe hơi Volkswagen

Năm 2014 Volkswagen đã phải thu hồi 8,5 triệu xe trên toàn thế giới, trong đó riêng ở Đức là 2,4 triệu xe chạy dầu diesel. Ngoài ra hãng này cũng thừa nhận đã lắp đặt phần mềm điều chỉnh dữ liệu khí thải của 12 triệu xe trên toàn thế giới, trong đó có 2,1 triệu xe Audi. Có thể Volkswagen sẽ bị các nhà quản lý môi trường của Mỹ phạt 18 tỷ đô la và phải trả trước hạn khoản tín dụng vay ưu đãi của EU (từ năm 1990 đến nay VW đã nhận từ Ngân hàng đầu tư châu Âu EIB khoản tín dụng ưu đãi là 4,6 tỷ euro cho việc nghiên cứu và phát triển động cơ thân thiện môi trường)

Kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý III/2017

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

4) Xuất khẩu có thể tăng 2 con số- Kinh tế Đức trông chờ vào bùng nổ kinh tế ở I-ran (N-TV 03/1/16)

Kinh tế Đức đứng trước sự bùng nổ quan hệ kinh tế, thương mại với Iran khi cấm vận được dỡ bỏ. Giới doanh nghiệp nhắc đến tâm trạng phấn chấn như của thợ đào vàng. Volker Treier, giám đốc xuất khẩu của DIHK nói mọi người đã chờ sẵn ở vạch xuất phát và hy vọng xuất khẩu hai chiều sẽ tăng 2 con số trong năm 2016, cán mốc 5 tỷ eur trong vòng 3 năm tới và trong vòng 5 đến 10 năm tới có thể lên đến 10 tỷ eur. Phương Tây do vậy cần từng bước dỡ bỏ cấm vận nếu Iran thực hiện thỏa thuận về chương trình hạt nhân.

Trong thập kỷ 70 Iran là thị trường xuất khẩu thứ hai của Đức ở ngoài châu Âu, chỉ sau Mỹ. Iran cũng là quốc gia có truyền thống công nghiệp lâu đời, nhưng hiện tại máy móc lạc hậu, tuy vậy thì các quan hệ cũ vẫn được giữ và Iran đánh giá cao máy móc và công nghệ sản xuất tại Đức.

Hãng vận tải Schenker, một công ty con của Deutsche Bahn cũng lạc quan và cho rằng có thể tăng doanh thu hàng năm lên 3 con số triệu eur. Đây là con số khá hiện thưc vì do điều kiện khó khăn ở Iran nên hầu như Schenker không có người cạnh tranh.Tương lai Schenker cũng sẽ lập những khu trung chuyển hàng hóa sang Iran như vận tải hàng không,đặt ở München, Mailand và Hamburg, sau đó sẽ vận chuyển bằng xe tải qua Ban căng, Thổ Nhĩ kỳ đến Teheran. Ngoài ra Schenker cũng sẽ tổ chức vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không và đường biển.

Năm 2014 xuất khẩu Đức sang Iran đạt 2,4 tỷ eur; năm 2015 giảm do kinh tế Iran đình trệ, lạm phát 12% và lãi suất tăng khiến chi phí đầu tư tăng. Cán cân xuất nhập khẩu hai chiều đạt 2,69 eur năm 2014.

5) Năm 2016 – Năm của hoạt động đầu tư (Handelsblatt 04/1/2015)

Theo một thăm dò dư luận của Viện Ifo thì năm 2016 ngành công nghiệp Đức sẽ tăng mức đầu tư lên 6%; Viện kinh tế Đức IW cho biết 15/46 ngành, lĩnh vực cho biết sẽ tăng mức đầu tư, chỉ 6 lĩnh vực thiểu phát. Viện kinh tế thế giới Kiel dự đoán đầu tư năm nay sẽ tăng 2,9% và 2017 tăng 3,6%. Điều kiện tài chính thuận lợi là nhân tố thúc đẩy tăng đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội thủ công Wollseifer cho biết đã có đủ hợp đồng sản xuất và người dân có tiền sẵn sàng đầu tư; ngành hàng này dự đoán tăng trưởng 2%.

Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Đức BDI Grillo đánh giá năm 2016 kinh tế Đức tăng 2%, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2011. Những năm trước đầu tư giảm vì lo ngại kinh tế TQ biến động.

Bộ trưởng Gabriel viết trong trang web của Bộ: "đầu tư là cơ sở của tăng trưởng và việc làm trong một nền kinh tế. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm của chính sách kinh tế là tăng cường đầu tư ở Đức“.

Diễn đàn kinh tế Davos đánh giá cao : nước Đức được hưởng lợi từ tiềm lực sáng tạo và sức phát triển cao của doanh nghiệp và vì vậy có đầy đủ cơ sở để giữ vững khả năng cạnh tranh.“ Nhà nước chỉ cần chú ý điều kiện hạ tầng như đường xá, cầu cống và trường học.

Các nhà thông thái "Wirtschaftsweisen“ cho rằng năm 2016 đầu tư sẽ tăng ở mức 6% với điều kiện chính phủ sẽ phải đầu tư nhiều cho hạ tầng cơ sở, mở rộng hạ tầng kỹ thuật số cũng như đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, môi trường, xây dựng đô thị.

Thương vụ Việt Nam tại Đức

Nội dung liên quan