Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2024 ngành nông nghiệp sẽ tăng tốc trong xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.
6 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 53,01 tỷ USD. Xuất siêu ở mức kỷ lục 12,07 tỷ USD; tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Năm 2024, dự báo nông sản Việt Nam tiếp tục 'rộng đường ra biển lớn'. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp phải đối mặt với “3 cái khó”, là thị trường, thời tiết và dịch bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường và khống chế dịch bệnh, ngành nông nghiệp sẽ cố kiểm soát nhưng về thời tiết thì khó đoán định.
Bộ NNPTNT cho biết, năm 2023 Việt Nam có 6 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là rau quả (5,69 tỷ USD), gạo (4,78 tỷ USD), hạt điều (3,63 tỷ USD), cà phê (4,18 tỷ USD), tôm (3,38 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (13,37 tỷ USD).
Tới nay, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo bộ NNPTNT, năm 2023, sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn (tăng 1,7% so với năm 2022); sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn (tăng 3,5%); sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn (tăng 2,9%).
Năm 2023, rau quả và gạo thắng lớn. Xuất khẩu gạo đạt 4,78 tỷ USD lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo). Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ đô” mới của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT cho rằng, năm 2024 ngành nông nghiệp sẽ tăng tốc trong xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.
(Ảnh minh họa)
Thuận lợi đã rõ, nhưng khó khăn chưa phải đã hết. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn nhận được những cảnh báo SPS (Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật) từ các thị trường xuất khẩu; tuy rằng những cảnh báo đó còn ở mức thấp. Lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra 55 cảnh báo đối với nông sản Việt Nam; chỉ chiếm 1,4% trong tổng số 3.865 cảnh báo mà EU đưa ra với tất cả các nước. Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản (19) và bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác (13). Vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm 58%, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9% và vi phạm khác chiếm 33%.
Tuy nhiên, cứ 6 tháng 1 lần, EU sẽ rà soát tất cả các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này. Vì thế, nếu làm không tốt, hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.
Gạo Việt Nam “dẫn dắt” thị trường thế giới
Năm 2023 là năm gạo Việt Nam “dẫn dắt” thị trường thế giới, lập kỷ lục về kim ngạch ở mức cao nhất sau 34 năm xuất khẩu mặt hàng này.
Về mặt hàng rau quả. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu trái sầu riêng lên tới 2,2 tỷ USD; gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Hiện sầu riêng Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, nhưng sắp tới sẽ có thêm không ít đối thủ trong khu vực, trong đó có Philippines. Trong khi đó, Malaysia cũng đang đẩy nhanh đàm phán để Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi của nước này. Hiện Trung Quốc chỉ nhập sầu riêng đông lạnh của Malaysia.
Tới nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều khu vực, quốc gia với kim ngạch nhập khẩu lớn đã trở thành trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam. Đó là những thị trường truyền thống cần nỗ lực giữ vững và khai thác theo chiều sâu. Tuy nhiên, việc xác định những thị trường có giá trị kinh tế cao để từ đó tập trung phát triển là điều cần phải được đặt ra và làm tốt trong năm 2024.
Theo giới chuyên gia nông nghiệp, thị trường Đông Bắc Á có dân số hơn 1,6 tỷ người (riêng Trung Quốc là 1,4 tỷ người). Đây là khu vực có sức mua lớn, có hệ thống sản xuất ở trình độ cao và có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thương mại, nhất là với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện, các nước trong khu vực Đông Bắc Á đều đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với Việt Nam, như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (với cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (với Nhật Bản)…
Như vậy, tại Đông Bắc Á, cùng thị trường Trung Quốc thì thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc là rất quan trọng. Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), tổng nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Hàn Quốc 40 tỷ USD/năm; Nhật Bản 33 tỷ USD/năm. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào 2 thị trường giàu có này mới chỉ chiếm lần lượt 1,3 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.
Hiện thị trường Đông Bắc Á chiếm 48% trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Đây cũng chính là thị trường xuất khẩu rất quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, khi mặt hàng rau quả với tỷ trọng 75% tổng xuất khẩu ra thế giới. Cụ thể: vải thiều chiếm tỷ trọng 92% tổng xuất khẩu ra thế giới; thanh long (hơn 90%); cao su và sắn (lần lượt là 83% và 95,8%).
Tập trung khai thác tại các thị trường tiềm năng
Tại tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Trung Đông - châu Phi”, do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng đây là hai khu vực thị trường tiềm năng, có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang 2 khu vực thị trường này có xu hướng gia tăng. Mặc dù thị phần còn thấp và giá trị đạt được còn nhỏ nhưng tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ở 2 thị trường khu vực này là khả quan. Theo ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - Châu Phi, nông sản, thủy sản luôn nằm trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu quan trọng, có kim ngạch tăng trưởng tốt, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với khu vực này đạt khoảng 10 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu nông, thủy sản đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Đối với khu vực châu Phi, các mặt hàng nông sản nhiều tiềm năng xuất khẩu gồm: gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, các mặt hàng nông sản chế biến, thực phẩm đóng hộp, thủy sản... Trong khi đối với khu vực Trung Đông, các mặt hàng nông sản nhiều tiềm năng gồm có: gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, trái cây tươi (thanh long, chanh leo, vải, chanh không hạt), thủy sản...
Bên cạnh thuận lợi thì cũng còn khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật, tập quán kinh doanh, điều kiện đi lại... Thêm nữa, mạng lưới thương mại của Việt Nam ở khu vực Trung Đông - châu Phi còn mỏng, chi phí dịch vụ logistics cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, việc gia tăng thị phần xuất khẩu nông sản tại 2 khu vực thị trường tiềm năng này cần được đẩy mạnh, để nông sản Việt ngày càng vươn xa.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gửi lời tri ân của hàng triệu nông dân, hàng chục nghìn hộ nông nghiệp tới các cán bộ ngoại giao trong và ngoài nước, những người đã góp phần đưa nông sản của nông dân, sản phẩm chế biến nông nghiệp ra thế giới, kèm theo hình ảnh Việt Nam, tiếng nói việt Nam ra thế giới. “Việc mua bán nông sản không chỉ là con số vô hình mà là cảm xúc, là những thể hiện hữu hình, là hình ảnh Việt Nam, thương hiệu quốc gia. Hình ảnh đất nước Việt Nam có người nông dân Việt Nam… Theo đó, muốn đi xa phải đi cùng nhau, chúng ta cần đi cùng nhau để xuất khẩu nông sản”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần cùng nhau hành động “vì hình ảnh đất nước, hình ảnh nông dân Việt Nam” chứ không chỉ dừng lại ở những con số xuất khẩu dù rằng đáng tự hào.