Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos, JR., ngày 20 tháng 6 năm 2024, trên cơ sở thẩm quyền được trao theo quy định của pháp luật và căn cứ đề xuất của các cơ quan liên quan, đã ban hành Sắc lệnh số 62, theo đó sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nông sản trong đó có gạo.
Đối với mặt hàng gạo, thuế nhập khẩu từ mức 35% sẽ cắt giảm xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028. Đây có thể được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt là giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng cao liên tục trên thị trường kể từ đầu năm tới nay.
Tuy nhiên, sắc lệnh đã gây ra những phản ứng trái chiều tại Philippines. Mới đây, đơn khiếu nại 27 trang về tính vi hiến của sắc lệnh từ đại diện người nông dân Philippines lên Tòa án tối cao có lẽ sẽ gây cản trở cho việc thực thi lệnh này.
Theo tin từ trang Philstar.com, ngày 04 tháng 7 năm 2024, một nhóm các nhà nông dân Philippines đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu Tòa án tối cao tuyên bố Sắc lệnh 62 quy định giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong đó có gạo là vi hiến.
Trong đơn khiếu nại 27 trang, đại diện của người nông dân Philippines (gồm các tổ chức Samahang Industriya ng Agrikultura, Federation of Free Farmers, United Broiler Raisers Association, Sorosoro Ibaba Development Cooperative and Magsasaka Partylist) đề nghị Tòa án tối cao của Philippines tuyên bố Sắc lệnh số 62 là vi hiến.
(Đại diện người nông dân nộp đơn lên Tòa án tối cao- Nguồn ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Philippines cung cấp)
Cùng với đề nghị tuyên bố Sắc lệnh 62 vi hiến, đại diện của người nông dân Philippines còn yêu cầu Tòa án tối cao Philippines ban hành ngay một quyết định tạm thời ngăn chặn việc thực thi Sắc lệnh số 62 trong thời gian xem xét giải quyết đơn khiếu nại.
Theo đại diện của người nông dân, việc Cục Kinh tế và Phát triển (National Economic and Development Authority - NEDA) và Ủy ban thuế (Tariff Commission) không tham vấn ý kiến của những người nông dân bị ảnh hưởng khi xây dựng và đệ trình sắc lệnh là nguyên nhân họ làm đơn khiếu kiện.
Đại diện của người nông dân đã dẫn chiếu tới việc ban hành các sắc lệnh trước đây bao gồm Sắc lệnh số 135 (năm 2021), số 10 (năm 2022), và số 50 (năm 2023) trong đó bắt buộc thực hiện việc tham vấn ý kiến, điều tra và tổ chức phiên điều trần với đại diện người nông dân. Trong khi đó, việc ban hành Sắc lệnh số 62 không tuân thủ các thủ tục này, trong khi đây là những thủ tục bắt buộc được quy định trong luật.
Đại diện người nông dân cho rằng việc ban hành Sắc lệnh số 62 không chỉ vi phạm quy định về tham vấn ý kiến mà còn có sự vi phạm nghĩa vụ hiến định của Chính phủ trong việc bảo vệ người nông dân khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như đảm bảo sự độc lập của nền kinh tế Philippines. Họ cho rằng Sắc lệnh số 62 sẽ làm cho đất nước phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất sản phẩm của nước ngoài. Họ cho rằng Sắc lệnh số 62 không giúp cho người nông dân Philippines tăng khả năng cạnh tranh, ngược lại, sẽ đe dọa ảnh hưởng tới người nông dân, người làm thủy sản và cả nền kinh tế Philippines, bởi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài.
Với việc khiếu kiện của đại diện người nông dân Philippines lên Tòa án tối cao, thì việc thực thi Sắc lệnh số 62 trong đó có giảm thuế nhập khẩu gạo vào Philippines sẽ là một dấu hỏi.