Theo Viện thống kê quốc gia Tunisia, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 1/2021 đạt 242 triệu euro, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh trao đổi thương mại bị giảm sút. Xuất khẩu đạt 1 tỷ euro, giảm 7,9% trong khi nhập khẩu, đạt 1,3 tỷ euro, giảm 10,1%. Trừ ngành công nghiệp điện có xuất khẩu tăng trưởng 11%, toàn bộ các lĩnh vực khác đều có kim ngạch giảm, đặc biệt là lĩnh vực mỏ, phốt phát và các sản phẩm phái sinh (-57,5%), năng lượng (-44,7%). Kim ngạch nhập khẩu tăng trong lĩnh vực nông nghiệp (+7,6%) và thiết bị vận tải (+62,2%), nhưng giảm trong toàn bộ các lĩnh vực khác, nhất là mỏ, phốt phát và sản phẩm phái sinh (-29%) và năng lượng (-28,1%). Tỷ trọng lĩnh vực năng lượng trong thâm hụt cán cân thương mại tháng 1/2021 là 44,6%, khá ổn định so với cùng kỳ năm trước (44,9%) nhưng cao hơn so với cả năm 2020 (33%). Về mặt đối tác, thâm hụt thương mại của Tunisia vẫn chủ yếu liên quan đến trao đổi thương mại với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Algeria. Theo chiều nược lại, Tunisia có thặng dư thương mại với Pháp, Lybia và Morocco.
Đến cuối tháng 1/2021, dự trữ ngoại tệ của Tunisia đạt 8,3 tỷ USD, tương đương 158 ngày nhập khẩu, tăng 47 ngày so với cuối năm 2019.
Theo Cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài Tunisia, tổng số vốn FDI vào nước này (bao gồm đầu tư trực tiếp và gián tiếp) năm 2020 đã giảm 28,8% chỉ còn 576 triệu euro. Tỷ trọng đầu tư trực tiếp chiếm tới 97,3% tổng vốn FDI giảm 26% còn 560 triệu euro trong khi tỷ trọng đầu tư gián tiếp giảm 69,5% còn 15,8 triệu euro. FDI trực tiếp đã giảm trong tất cả các lĩnh vực như công nghiệp (-17,8%), năng lượng (-31,8%), dịch vụ (-44%) và nông nghiệp (-3,6%).Pháp vẫn là nhà đầu tư số 1 vào Tunisia chiếm 38,1% tổng vốn FDI ngoài lĩnh vực năng lượng, tiếp đến là Italia, Luxembourg, Đức và Anh.
Hoàng Đức Nhuận