Trong bối cảnh thị trường châu Á đầy tiềm năng, Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế đáng kể để phát triển xuất khẩu. Với các FTA, hàng hóa Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường đích, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ ràng.
Với các FTA, hàng hóa Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường đích, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ linh hoạt và sự đơn giản hóa trong giao dịch, thông quan giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực cũng mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho Việt Nam.
Tại hội thảo “Cập nhật các vấn đề liên quan tới các FTA trong khuôn khổ ASEAN và quy các xuất xứ theo các FTA” ngày 5 tháng 11 vừa qua, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức, Ông Phạm Thế Cường- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, đã phân tích và đưa ra những gợi ý cho việc mở rộng tại thị trường này.
Ông Cường cho biết: Indonesia là thị trường tiềm năng với dân số lớn thứ 4 thế giới, đặc biệt dân số ở độ tuổi lao động chiếm 60% dân số. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định thúc đẩy gia tăng nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu. Đáng lưu ý, tầng lớp trung lưu (50 triệu người) và đang gia tăng nhanh tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu khá lớn; trong đó, nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng.
Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và có văn hóa Á Đông gần gũi, thêm nữa khoảng cách địa lý gần cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng, có lợi thế so sánh với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản. Ngoài ra, hai nước cũng đã kết nối đường bay thẳng cũng là lợi thế để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Mặc dù là thị trường giàu tiềm năng, nhưng Indonesia là thị trường mang tính bảo hộ cao như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI), quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI.
Cơ hội thị trường Indonesia từ Hiệp định RCEP và ATIGA
Khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thêm nhiều cơ hội chọn lựa các ưu đãi thuế quan có lợi nhất, được hưởng thuận lợi thương mại, hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối của Hiệp định khi xuất khẩu sang Indonesia. Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất, nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỷ suất lợi nhuận và làm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Ông Cường đưa ra các gợi ý các mặt hàng Việt Nam có thể gia tăng thúc đẩy xuất khẩu như thực phẩm chế biến, hóa chất, các sản phẩm từ cao su (đặc biệt cao su tổng hợp), sản phẩm nhựa và dệt may, hàng điện tử (điện thoại di động), sắt thép.
Thêm nữa, Indonesia có nguồn tài nguyên phong phú là nguyên liệu đầu vào cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng khai thác thông qua quy tắc xuất xứ của RCEP để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường thành viên khác trong RCEP thông qua việc tăng cường sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Indonesia.
4 khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam
Đầu tiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI.
Thứ hai, đề phòng lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Cường khuyến nghị doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy việc đàm phán giá cả, hợp đồng đang diễn ra nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau.
Thứ ba, trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác Indonesia phải cung cấp chứng nhận/sổ đăng ký kinh doanh (NIB) và mã số thuế (TIN). Thực hiện thẩm tra đối tác thông qua Thương vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, các hiệp hội của Indonesia, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC.
Đặc biệt, doanh nghiệp lưu ý không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân. Điều khoản hợp đồng chặt chẽ, lưu ý điều khoản bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình; trong đó, phải có điều khoản về tranh chấp, khiếu nại.