Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lùi thời gian kiểm tra đánh bắt IUU lần thứ năm vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2024, thay vì tháng 5 năm 2024 như lịch trước đây. EC muốn chờ kết quả Việt Nam triển khai Nghị định 37 và 38⁄NĐ-CP (ban hành vào tháng 4 năm 2024) về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, từ đó mới có thể gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin trong cuộc họp Triển khai thực hiện Kế hoạch Chống đánh bắt IUU (đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý) diễn ra ngày 21 tháng 5 năm 2024 như sau: “châu Âu có ý chờ kết quả chúng ta triển khai Nghị định 37 và 38/NĐ-CP vừa ban hành hồi tháng 4/2024, về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Phía EC yêu cầu ta phải đưa tỷ lệ xử lý vi phạm lên ít nhất 30%, tức là gấp 3 lần so với hiện nay, thì họ mới có thể xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam”.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh rằng lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC là "cơ hội cuối cùng", bởi Nghị viện châu Âu sắp bầu cử. Nếu không thể xóa "thẻ vàng" dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.
Dự kiến trong tháng 6/2024, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... sẽ thị sát tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Sang tháng 7 là các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Trong tháng 8 và có thể kéo sang tháng 9/2024, đoàn sẽ kiểm tra tại các tỉnh còn lại ở khu vực phía Bắc.
Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết nếu không có gì thay đổi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ cùng đoàn kiểm tra một trong số các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, dự kiến diễn ra trong khoảng từ ngày 9/6 đến 16/6.
Bên cạnh chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU - đang kiến nghị Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra cảng cá, trong khoảng tháng 7 hoặc tháng 8. Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt về việc chống IUU, nhấn mạnh quan điểm đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU.
Cục trưởng Hùng đề xuất 3 giải pháp trọng tâm cần thực hiện thời gian tới:
Thứ nhất, bằng mọi giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, không có vùng cấm.
Thứ hai, quản lý chặt chẽ hơn nữa đội tàu, đảm bảo 100% các tàu cá đi khai thác trên biển đảm bảo đủ điều kiện như lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ...
Thứ ba, xử lý nghiêm những trường hợp mà EC từng phát hiện việc trộn lẫn nguyên liệu thủy sản, hay hợp pháp hóa hồ sơ trái phép. Đặc biệt, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm soát, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng.
Về phía địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị bố trí nguồn lực, đảm bảo trực ban 24/24 giờ; theo dõi, giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Kiểm ngư tăng cường kiểm tra, giám sát số tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài, nhất là việc tăng tỷ lệ xử lý vi phạm lên khoảng 30%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong 90 ngày cao điểm sắp tới.
"Lực lượng kiểm ngư phải đề ra kế hoạch phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.