Phát biểu khai mạc hội thảo "Xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Châu Âu", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, Châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Châu Âu đã có nhiều khởi sắc, với một số nhóm mặt hàng như gạo, rau củ quả… ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng và bứt phá.
Kết quả này có được một phần là nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 1/5/2021. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản Việt Nam sang Châu Âu, đặc biệt là các nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, điều, rau quả, thủy sản…
Thông tin thêm về những lợi ích to lớn của EVFTA, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ nhấn mạnh: Sau 2 năm thực thi EVFTA, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU (gồm 27 thành viên) ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu. Phần lớn các dữ liệu này thể hiện các tín hiệu lạc quan cho thấy EVFTA đã có tác động tích cực với thương mại hai chiều. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh làm tăng trưởng kim ngạch giảm nhẹ -1,82% năm 2020 (35,14 tỷ USD) nhưng con số này năm 2021 đã tăng lên 14,1% (40,2 tỷ USD).
Lượng tiêu thụ nông sản trồng (tính theo 11 mã HS) quy ra kim ngạch nhập khẩu riêng thị trường EU gồm 27 quốc gia trên 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đi thế giới (trên dưới 16 tỷ USD). Con số này còn khiêm tốn ở thị trường đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, sau 2 năm Việt Nam ký EVFTA, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Trong đó, 33,3% doanh nghiệp cho biết hàng xuất khẩu của doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, hơn 31% doanh nghiệp nói rằng thuế MFN đã tốt bằng hoặc hơn EVFTA. Gần 19,5% doanh nghiệp nói đối tác EU không cung cấp chứng từ công nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu, gần 18% doanh nghiệp thông tin đã hưởng ưu đãi theo GSP. Trong khi đó, hơn 15% doanh nghiệp nói không biết có ưu đãi EVFTA, gần 12% cho biết không đáp ứng các điều kiện khác để hưởng ưu đãi dù có chứng nhận xuất xứ.
Xanh hóa là xu thế tất yếu
Châu Âu được biết đến là một trong những thị trường khó tính bậc nhất. Do đó, để khai thác có hiệu quả EVFTA, thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường này, bên cạnh việc nắm rõ quy tắc, quy định, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đặc điểm và xu hướng tiêu dùng của người Châu Âu, đặc biệt là xu hướng tiêu thụ thực phẩm xanh.
Cụ thể, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho biết, người tiêu dùng tại thị trường EU rất chú trọng đến các khía cạnh môi trường và xã hội. Họ đề cao các giá trị bền vững như bảo đảm sức khỏe con người, môi trường, giảm khí carbon… Thực phẩm cần đảm bảo 2 phương diện giảm lượng hóa chất trong thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, do người EU có mức thu nhập cao nên họ cần những sản phẩm thương hiệu gắn liền với chất lượng chứ không quan tâm đến giá cả. Ngoài ra, tiêu chí về sự tiện dụng cũng được họ đưa ra khi lựa chọn hàng hóa.
Nhẫn mạnh hơn nữa xu hướng nông sản, thực phẩm xanh tại Châu Âu, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU khuyến cáo đến các doanh nghiệp: "Tất cả các cơ sở nông nghiệp của EU đang phải chuyển đổi theo hướng xanh hoá. Vì vậy, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài do trước đây, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch là yêu cầu của nhóm mua, người mua hàng, nay, nó trở thành quy định. Do vậy, đây là xu thế tất yếu trong tương lai".
Với mặt hàng nông sản thực phẩm, theo ông Trần Ngọc Quân, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh. Thứ nhất, theo Luật Thực phẩm chung, tất cả thực phẩm được bán trên thị trường Liên minh Châu Âu phải an toàn. Thứ hai, quy định luật hạn chế các chất, hóa chất và chất gây ô nhiễm, tồn dư.
Đặc biệt, các doanh nghiệp khi hợp tác với Châu Âu cần lưu ý đến chính sách Green Deal trong nông nghiệp và chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork). Năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã khởi động Thỏa thuận xanh Châu Âu (EGD). Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.
Ngoài ra, về quy tắc ghi nhãn, ông Trần Ngọc Quân khuyến cáo, các quy tắc về ghi nhãn trong quy định mới của tổ chức hữu cơ sẽ không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến một sản phẩm trên bao bì, tài liệu, dấu hiệu, nhãn, vòng hoặc các dải đi kèm hoặc đề cập đến sản phẩm đó. Chỉ cho phép sử dụng các thuật ngữ như hữu cơ và sinh thái hoặc các thuật ngữ ngắn hơn như "sinh học" và "sinh thái" nếu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ.
Đặc biệt, để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tiêu chuẩn xanh, tại hội thảo ông Jean Michel, Chuyên gia tư vấn xuất nhập khẩu thị trường Bỉ, Pháp đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Châu Âu đặc biệt là Bỉ và Pháp. Ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhìn nhận thật kỹ về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, không phải sản phẩm được ưa chuộng tại Việt Nam đã được ưa chuộng tại EU. Hãy đặc biệt chú trọng đến quy cách đóng gói. Các sản phẩm nông sản ví dụ tiêu, cà phê sẽ được ưu tiên lựa chọn nếu được đóng gói bằng các nguyên liệu an toàn, thân thiện và bảo vệ môi trường.