Xuất khẩu Ấn Độ tháng 7 tăng 49,85% lên 35,43 tỷ USD với tỷ trọng chính thuộc về các ngành xăng dầu, kim loại, đồ trang sức. Nhập khẩu Ấn Độ tăng 63% lên 46,4 tỷ USD trong đó nhập khẩu dầu thô tăng 97,45% lên 12,89 tỷ USD. Thâm hụt thương mại là 10,97 tỷ USD. Trước đó, số liệu xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm tài chính 2021-2022 (tháng 4 đến tháng 6/2021) tăng 74,5% lên 130,82 tỷ USD.
Chủ tịch liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho biết, xuất khẩu trong tháng 7 của Ấn Độ đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm. Điều này cũng là chỉ dấu cho thấy thương mại toàn cầu đang phục hồi nhanh chóng với lực cầu cao. Với đà tăng trưởng nêu trên, mục tiêu xuất khẩu của Ấn Độ đạt 400 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022 là hoàn toàn khả thi.
Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ trong tháng 8 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 45,17% so với một năm trước và 27,5% so với tháng 8 năm 2019 (trước khi đại dịch Covid 19). Tuy nhiên, vẫn thấp hơn 2,3 tỷ USD so với mức kỷ lục trong tháng 7 (35,43 tỷ USD), cho thấy xuất khẩu Ấn Độ tiếp tục các tín hiệu khả quan.
Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đã tăng 51,47% so với cùng kỳ năm ngoái lên 47 tỷ USD, cao hơn 18% so với tháng 8 năm 2019. Thâm hụt thương mại tăng 69,15% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức 13,87 tỷ USD nhưng chỉ cao hơn 0,07% so với trước COVID của năm 2019.
Nguyên nhân chính của nhập khẩu tăng là do nhập khẩu vàng tăng 82,22% so với cùng kỳ từ mức 3,7 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2021-22, xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ hiện đã đạt 163,67 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 22,9% so với năm 2019. Chính phủ đã đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa trị giá 400 tỷ USD cho năm.
Trong số các nhóm hàng hóa chính, không bao gồm xăng dầu và đá quý và đồ trang sức, hàng kỹ thuật ghi nhận mức tăng mạnh 58,8% lên 9,6 tỷ USD, trong khi sợi bông, vải và các sản phẩm dệt kim tăng 55,6% lên khoảng 1,3 tỷ USD. Xuất khẩu hàng điện tử tăng 31,5%, đạt 1,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lĩnh vực hàng may sẵn sử dụng nhiều việc làm chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 14% ở mức 1,23 tỷ USD.