| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cần thiết cải cách để ổn định kinh tế Lào

Ngày 22/11/2022, báo cáo cập nhật kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Lào công bố, hiện Lào đang phải đối mặt với những thách thức tiếp tục gia tăng do sự mất giá đồng Kíp, tỷ lệ lạm phát tăng cao mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi kinh tế vào đầu năm 2022.

Báo cáo Giám sát kinh tế Lào tháng 10/2022 đã đề xuất những cải cách đầy tham vọng để giải quyết các lỗ hổng kinh tế vĩ mô nhằm giúp nước này khôi phục ổn định kinh tế và duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo, riêng trong năm nay tính tới thời điểm tháng 10 đồng Kíp đã mất 68% giá trị so với đồng đô la Mỹ, làm suy yếu quá trình phục hồi và gia tăng lạm phát, từ đó dẫn tới tiêu dùng và đầu tư tư nhân bị thắt chặt. Nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ dự kiến sẽ vượt 100% GDP vào cuối năm nay. Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Lào xuống còn 2,5%, so với dự báo trước đó là 3,8% và cho rằng, mặc dù việc làm đã tăng vào giữa năm 2022, nhưng thu nhập của người dân đã không theo kịp tốc độ lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm đã tăng lên 37% vào tháng 10 năm 2022, trong đó giá lương thực tăng gần 39%. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân nghèo thành thị, một số gia đình buộc phải cắt giảm tiêu dùng.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, hai phần ba số hộ gia đình được hỏi cho biết đã cắt bớt chi tiêu cho y tế và giáo dục, về lâu dài điều này có thể làm suy yếu sự phát triển con người trong tương lai. 
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Lào Ông Alex Kremer cho biết, Ngân hàng Thế giới và một số đối tác phát triển đang tiến hành thảo luận với Chính phủ Lào về một lộ trình cải cách nhằm giúp ổn định tình hình, bảo đảm các khoản chi tiêu thiết yếu cho giáo dục, y tế và phúc lợi, đồng thời tạo ra một môi trường vững chắc cho sự phục hồi lâu dài. 
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra 5 đề xuất cải cách quan trọng: (i) cắt giảm những quy định miễn trừ thuế lớn để tăng thu ngân sách và bảo đảm chi tiêu xã hội; (ii) cải cách quản lý đầu tư công, PPP và quản lý doanh nghiệp nhà nước; (iii) tái cơ cấu nợ công thông qua các cuộc đàm phán; (iv) ổn định của khu vực tài chính bằng các công cụ và chế tài pháp lý, và (v) cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu thông qua cải cách nâng cao hiệu quả thực thi các quy định.
Báo cáo đưa ra một triển vọng trung hạn với giả định kinh tế Lào sẽ dần được phục hồi, nhờ được thúc đẩy bởi du lịch và xuất khẩu, tuy nhiên điều đó vẫn phụ thuộc vào sự thành công của các cuộc đàm phán nợ với các chủ nợ song phương. Ngoài ra, triển vọng kinh tế của Lào vẫn tiếp tục phải chịu những rủi ro đáng kể từ bên ngoài, trong đó bao gồm các chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu bị thắt chặt và các tác động kéo dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thương vụ Việt Nam tại Lào

Nội dung liên quan