| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Trái cây Việt đang là ngôi sao sáng tại thị trường Đông Bắc Á

Tại các thị trường khu vực Đông Bắc Á, ngoài Trung Quốc thì Hàn Quốc, Nhật Bản đang có sự bứt phá ngoạn mục, chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt

Theo chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhiều loại trái cây Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường Đông Bắc Á, góp phần đáng kể vào mục tiêu xuất khẩu rau quả 7 tỷ USD trong năm 2024.

Theo đó, tính đến hết tháng 7, xuất khẩu rau quả đã đạt 3,8 tỷ USD, trong đó sầu riêng đóng góp tới 40% tổng giá trị. Thành công này được cho là nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm thuế quan cho nhiều mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường khu vực Đông Bắc Á

Đặc biệt, các thị trường như Hàn Quốc và Nhật Bản đang có sự tăng trưởng ấn tượng, chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Điều này cho thấy trái cây Việt Nam không chỉ cạnh tranh được với các quốc gia khác trong khu vực mà còn duy trì được chất lượng khi xuất khẩu đi xa.

Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu tiêu thụ rau quả cao, đã là khách hàng truyền thống của nhiều loại trái cây Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đông dân, có thu nhập cao, có nhu cầu lớn về nông sản, trái cây chất lượng” ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.

Hai quốc gia này cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trên không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics và duy trì được chất lượng nông sản so với khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.

Từ đầu năm 2024, tình hình căng thẳng địa chính trị tại khu vực Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, cùng với sự đa dạng về chủng loại trái cây và chất lượng ngày càng được cải thiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà nhập khẩu tại Đông Bắc Á.

Theo ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật "Trong khối thị trường RCEP, số lượng sản phẩm nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang; thêm dừa, chanh leo và ớt được xuất khẩu tạm thời."

Các thị trường khác như New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã mở cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam. Cụ thể, với thị trường New Zealand có 5 loại quả gồm xoài, thanh long, chôm chôm, chanh, bưởi. Nhật Bản cho phép nhập khẩu thanh long, xoài, vải, nhãn từ Việt Nam. Hàn Quốc nhập khẩu thanh long, xoài và mới đây nhất đã chính thức cấp phép cho trái bưởi tươi của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán mở cửa cho trái bưởi tươi và sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, bưởi vào Nhật Bản…ông Quang chia sẻ.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, việc mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức, một số mặt hàng đàm phán, đánh giá rủi ro mất 3 -5 năm, thậm chí lâu hơn mới ký được nghị định thư.

Ông Nguyễn Thành Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh, để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, người sản xuất và doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ người nông dân nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trái cây Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với những thay đổi của thị trường và xây dựng thương hiệu.

Báo Công Thương

Nội dung liên quan