Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia 6 tháng đàu năm 2018 tăng trưởng mạnh.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
1.Đánh giá chung
Trong tháng 6 năm 2018, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 946,787 triệu USD đưa tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Malaysia trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 5.842,595 triệu USD tăng 21,15 % (4.822 triệu USD) so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 3.837,478 triệu USD tăng 42,05% (2.701 triệu USD) so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.005,117 triệu USD giảm 5,46 % (2.121 triệu USD) so với cùng kỳ. Hiện kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm dẫn đến cán cân thương mại giữa Việt Nam với Malaysia có sự mất cân đối, Việt Nam nhập siêu trong quan hệ thương mại với Malaysia (6 tháng đầu năm 2018) tới 1.832,361 triệu USD. Tuy nhiên, có điểm cần nhấn mạnh là hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh phần lớn là nguyên, nhiên liệu, phụ tùng…phục vụ cho sản xuất (xăng dầu, máy móc thiết bị, kim loại, hóa chất…) trong khi hàng hóa phục vụ tiêu dùng lại giảm (hàng điện gia dụng và linh kiện, dầu mỡ động thực vật…).
2. Hàng hóa nhập khẩu
Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Malaysia, trong tháng 6/2018 đạt 601,802 triệu USD tăng 45,6% (483,11 triệu) so với cùng kỳ, đưa kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu đạt 3.837,47 triệu USD tăng 42,05% (2.701,23 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm này (6 tháng đầu năm 2018) có tới 9 ngành hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 100 triệu USD (trong đó có 01 ngành hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD) gồm: 1. Xăng dầu các loại đạt 1.236,641 triệu USD; 2. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 620,651 triệu USD; 3. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 380,010 triệu USD; 4. Kim loại thường khác đạt 172,557 triệu USD; 5. Dầu mỡ động thực vật 165,088 triệu USD; 6. Hàng điện gia dụng và linh kiện đạt 150,731 triệu USD; 7. Chất dẻo nguyên liệu đạt 145,256 triệu USD; 8. Hóa chất đạt 127,414 triệu USD; 9. Sản phẩm hóa chất đạt 100,386 triệu USD.
Như vậy có thể thấy, các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu là nguyên, nhiên liệu, thiết bị, phụ tùng, linh kiện…dùng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước trong khi nhập khẩu phục vụ tiêu dùng lại giảm.
3. Hàng hóa xuất khẩu
Xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia trong tháng 6/2018 đạt 344,985 triệu USD giảm 9,06% (379,36 triệu USD) so với cùng kỳ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.005,11 triệu USD giảm gần 5,46% so với cùng kỳ năm trước (2.121,35 triệu USD).
Hiện Việt Nam có 5 ngành hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD gồm: 1. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 308,52 triệu USD; 2. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 300,44 triệu USD;3. Sắt thép các loại đạt 228,00 triệu USD; 4. Gạođạt 138,22 triệu USD; 5. Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh đạt 133,42 triệu USD.
Và 05 ngành hàng đạt kim ngạch trên 50 triệu USD gồm: 1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 87,65 triệu USD; 2. Phương tiện vận tải và phụ tùng 85,42 triệu USD; 3. Hàng thủy sản đạt 52,96 triệu USD;4. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 52,29 triệu USD; 5. Hàng dệt may đạt 50,68 triệu USD.
Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Malaysia trong 6 tháng đầu năm có một số mặt hàng giảm mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (khoảng 56,33%). Tuy nhiên cũng có một số mặt hàng có kim ngạch lớn và tăng trưởng khá là: Gạo tăng mạnh đạt kim ngạch 138,22 triệu USD (tăng 112,71%); Gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 109,41%; Sắt thép các loại tăng 106,29%; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng trên 56,39%; Cà phê tăng 37,67%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng hơn 19,84%.
Về giá trị các hàng hóa xuất khẩu, tính đến hết tháng 6/2018, Việt Nam đã có 10 ngành hàng đạt kim ngạch trên 50 triệu USD so với 8 ngành hàng trong 6 tháng đầu năm 2017 (thêm 02 ngành), thực chất là 3 ngành do năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm nay chỉ đạt 42,27 triệu USD so với 138,97 triệu USD năm 2017 gồm: Hàng thủy sản, Gỗ và sản phẩm từ gỗ, Hàng Dệt may. Trong số 3 ngành hàng mới góp mặt trong nhóm kim ngạch trên 50 triệu USD có ngành hàng: Gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng mạnh (109,41%) từ 24,97 triệu USD lên 52,29 triệu USD; Hàng thủy sản tăng 18,1%; Hàng Dệt may tăng 10,8%.