Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài và Ngân hàng trung ương Chile, trong 6 tháng đầu năm 2012, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đất nước này đạt 12.275 triệu USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất từ trước tới nay; trong tổng số vốn đầu tư nêu trên, khoảng 47,8% thuộc phần vốn tái đầu tư của các công ty nước ngoài (5.867 triệu USD). Năm 2011, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Chile đạt 17.299 triệu USD, trong đó phần vốn tái đầu tư đạt 9.589 triệu USD.
Đây là dấu hiệu mới cho thấy nền kinh tế Chile đã và đang tăng trưởng bền vững và ổn định mặc dầu điều kiện ngoại cảnh còn nhiều khó khăn và bất ổn như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay thảm họa động đất đã tàn phá đất nước Andes vào cuối tháng 2 năm 2012.
Ông Pablo Longueira, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chile, nhấn mạnh rằng điều này cho thấy giới đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào tương lai phát triển kinh tế của đất nước với sự phục hồi mạnh mẽ trong hai năm qua. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, Chile đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất ở Mỹ Latinh cho luồng vốn đầu tư nước ngoài và là nơi trú ẩn an toàn cho luồng vốn này bởi các yếu tố như tính an toàn cao, sự minh bạch, tính cạnh tranh của nền kinh tế và nhiều cơ hội để thực hiện thành công các dự án đầu tư nhằm mở rộng sản xuất và kinh doanh.
Đến cuối năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Chile đạt 144,73 tỷ USD, tập trung chủ yếu và các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (53.375 triệu USD), khai thác mỏ (49.912 triệu USD), điện, hơi đốt và nước (19.411 triệu USD)
Đầu tư nước ngoài theo luật DL 600 là hình thức đầu tư thông qua hợp đồng giữa nhà đầu tư nước ngoài, hoặc người Chile ở nước ngoài ký hợp đồng đầu tư với nhà nước Chile. Số vốn đầu trực tiếp nước ngoài theo hình thức này trong nửa đầu năm nay đạt 1.767 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản chiếm 60,3% (1.066 triệu USD); tiếp đến là các ngành điện lực, hơi đốt và nước sạch với 250,8 triệu USD, chiếm 14,2%; công nghiệp chế biến với 224,9 triệu USD. chiếm 12,7%; giao thông và truyền thông với 130,6 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành khác là 94,7 triệu USD, tương đương 5,4%. Trong hình thức đầu tư này, Nhật Bản là nước dẫn đầu với số vốn là 759,5 triệu USD chiếm 43%, tiếp đến là Canada (272,9 triệu USD) chiếm 15,4% và Thụy Sĩ (213,1 triệu USD) chiếm tỉ lệ 12,1% và các nước khác (521,5 triệu USD), tỷ lệ 29,5%.
Đa phần các nhà nghiên cứu kinh tế trong nước đều có chung nhận định, kinh tế Chile tăng trưởng cao và ổn định, lạm phát thấp, mức cam kết bảo hộ đầu tư nước ngoài cao của nhà nước và chỉ số rủi ro thấp là các yếu tố cuốn hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Chile trong nửa đầu năm nay.