Chỉ mình mặt hàng sầu riêng đã đóng góp đến 43% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 844 triệu USD, tăng mạnh 52,8% (tương ứng tăng 291 triệu USD) so với tháng trước. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đạt hơn 500 triệu USD, tăng tới 94% so với tháng trước.
Tính chung, trong 8 tháng qua, xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,72 tỷ USD, tăng 33,2% (tương ứng tăng 1,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 2,03 tỷ USD, tăng tới 68% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Về thị trường, Trung Quốc dẫn đầu với 3,08 tỷ USD, chiếm tới 65,25% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng qua.
Liên quan đến xuất khẩu sầu riêng, thêm một tín hiệu tích cực khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam.
Tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc (ngày 19/9/2024), ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD.
Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: CTV.
Đánh giá về cơ hội mới của sầu riêng Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết thêm, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD.
Trong khi sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường, trong khi sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Do đó, để phù hợp hơn với nhu cầu, người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh. Năm ngoái, Trung Quốc chi 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh…