Canada là một trong những thị trường gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Trong năm 2022, Việt Nam đang là nước xuất khẩu thứ 7 sang Canada, tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021 và sau gần 5 năm thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 4,16 tỷ năm 2018 lên đến 9,89 tỷ năm 2022.
Riêng năm 2023, tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 4,7 tỷ USD, giảm 13,50 % so với cùng kỳ năm ngoái, Riêng tháng 10 năm 2023, kim ngạch tăng 5,91%, tương ứng 530,71 triệu USD.
Hiện nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Canada đang được hưởng đồng thời cả Quy chế tối huệ quốc (MFN) theo WTO, Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPT) do Canada dành cho các nước đang và kém phát tiển và CPTPP. Doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn xuất khẩu theo một trong những cơ chế ưu đãi này khi mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Canada, sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định. Nhiều mặt hàng của chúng ta đã có mặt ổn định ở các hệ thống siêu thị ở Canada nhờ chấp nhận sản xuất gia công theo nhãn hiệu của Canada, ví dụ như các sản phẩm nước dừa, tôm chiên bột hay nước mắm...
Đối với các doanh nghiệp phát triển những dòng sản phẩm có tính sáng tạo cao, có tính riêng, tính mới cũng nên xây dựng thương hiệu riêng một cách bài bản, lấy thị trường trong nước làm chủ đạo. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dựa vào thương mại điện tử để làm bàn đạp ra thị trường khu vực và thế giới.