| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tây Ban Nha bị “lãng quên” tại EU

Ngày 20 tháng 01 năm 2013, Ông Jeroen Dijjsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan đã được bầu làm Chủ tịch mới của Eurogroup, nhóm cố vấn gồm các Bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thay vị Chủ tịch kỳ cựu mãn nhiệm, ông Jean-Claude Junker người Luxembourg. Trong số 17 nước thành viên Eurozone, Tây Ban Nha là nước duy nhất bỏ phiếu không tán thành.

Theo thông tin trả lời báo chí của các thành viên khác trong Eurogroup thì việc bỏ phiếu phản đối của Tây Ban Nha sẽ không tạo bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào. Tiếng nói kinh tế của Tây Ban Nha ngày càng bị giảm sút về tầm ảnh hưởng, tỷ lệ thuận với hậu quả của khủng hoảng kinh tế kéo dài tại nước này. Việc này một lần nữa lại dấy lên dư luận lo ngại trong nội bộ Tây Ban Nha, sau việc phiên Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brusels tháng 10/2012 mới đây đưa ra biện pháp “cứu trợ” kinh tế cho các nước thành viên nhưng “bỏ quên” Tây Ban Nha.

Biện pháp đưa ra về cứu trợ kinh tế chỉ cho phép cứu trợ các nước có thặng dư nợ dưới 3% GDP với lý do đảm bảo sự ổn định, vì các nước có thặng dư nợ lớn hơn nếu được “bơm” tài chính chưa chắc có thể đảm bảo ổn định kinh tế và hạn chế lạm phát. Biện pháp này chỉ giúp đỡ 7 nước trong toàn khối (Đức, Luxemburg, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Bungari và Malta) và chỉ 4 nước lớn trong khối Eurozone trong đó có Đức là được nhận cứu trợ.

“Nạn nhân” chính là nền kinh tế Tây Ban Nha với mức giảm GDP là -1,3% trong năm 2012. Dư luận Tây Ban Nha chỉ trích Chính phủ nước này thiếu trách nhiệm và ảnh hưởng tại Brussels, cũng như phản đối mạnh mẽ sự “lãng quên” này. Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng biện pháp cứu trợ kinh tế nói trên sẽ dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt và rất có thể gây ra ảnh hưởng rất xấu đến khối EU “không mấy đoàn kết” hiện nay.

Vụ Thị trường châu Âu

Nội dung liên quan