Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2025, dệt may là một trong 4 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2025, ngành dệt may đạt 5,634 tỷ USD, tăng 9,25% so với cùng kỳ. Con số xuất khẩu đạt được của ngành trong 2 tháng đầu năm vẫn nằm trong dự liệu, bởi hiện nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng đến quý II/2025. Tuy nhiên, từ quý III/2025 có dấu hiệu chững lại vì khách hàng còn đang nghe ngóng tác động các chính sách thuế của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế.
Về thị trường, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt 2,46 tỷ USD, chiếm 43,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 12,41% so với 2 tháng năm 2024.
Nhật Bản đứng thứ 2, với kim ngạch đạt 689,71 triệu USD, chiếm 12,24% thị phần, tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2025. Hàn Quốc là nước đứng thứ ba về kim ngạch, tăng 4,12% so với 2 tháng năm 2024.
So với 2 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của hầu hết thị trường đều có sự tăng trưởng về kim ngạch, đáng kể như Hồng Kông (tăng trưởng 31,85%, đạt kim ngạch 40,70 triệu USD), Indonesia (tăng 25,09%, đạt kim ngạch 73,46 triệu USD), Campuchia (tăng 21,75%, đạt kim ngạch 150,68 triệu USD),.. Ở chiều ngược lại, Canada (giảm 11,97%, đạt kim ngạch 149,55 triệu USD), Nga (giảm 26,74%, đạt kim ngạch 87,88 triệu USD) là hai thị trường lớn có sự sụt giảm kim ngạch tương đối.
Trong năm 2025, để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm áp lực từ chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu, doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào sản xuất sợi, vải, thuốc nhuộm và hoàn tất vải trong nước.
Thứ hai, để giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và EU, doanh nghiệp dệt may có tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA thế hệ mới) như CPTPP, EVFTA.
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại và có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh sản xuất xanh, đầu tư vào dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế nguyên liệu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) mà nhiều thị trường đang yêu cầu.