Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường Ma-rốc năm 2015 ước đạt 154,5 triệu USD, tăng 4,6% so với năm 2014. Ma-rốc hiện là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường quốc gia Bắc Phi này vẫn là các mặt hàng công nghiệp (điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm dệt may, sợi các loại, giày dép, máy móc thiết bị, sản phẩm hóa chất…) và nông nghiệp (cà phê, hàng hải sản, hạt tiêu, gia vị…). Về nhập khẩu, mức kim ngạch chỉ đạt khoảng 5,5 triệu USD, giảm 37,5% so với năm 2014. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là tân dược, phân DAP, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
Nhìn chung, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đã và đang có sự dịch chuyển theo hướng tích cực: tỷ trọng các mặt hàng nông sản xuất khẩu thô và qua khâu trung gian giảm dần, nhường chỗ các mặt hàng công nghiệp. Hàng hóa xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn so với những năm trước. Hơn nữa một tín hiệu đáng mừng là rất nhiều đơn hàng các doanh nghiệp Ma-rốc trước đây nhập khẩu từ Trung Quốc nay muốn chuyển nguồn cung sang Việt Nam. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp đôi bên được Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc và cơ quan hữu quan trong nước tạo điều kiện và tận tình hỗ trợ tìm kiếm đối tác tiềm năng.
Bên cạnh những nét tích cực, hiện vẫn còn nhiều khó khăn gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia:
Trước hết, do biến động tỷ giá giữa đồng USD và đồng Đi-ham (DH: đồng tiền Ma-rốc) trong thời gian qua (đồng DH mất giá khoảng 20% trong vòng hơn 1 năm), các hàng hóa xuất khẩu vào Ma-rốc trở nên đắt đỏ, điều này khiến các nhà nhập khẩu trong nước hạn chế nhập hơn;
Về phương thức thanh toán, trong thời gian qua, các doanh nghiệp hai nước giao dịch chủ yếu bằng hình thức D/P, TT (doanh nghiệp mua hàng ứng một số tiền đặt cọc). Tuy nhiên hình thức thanh toán này chứa đựng nhiều rủi ro, dễ gây phiền hà và mất lòng tin lẫn nhau;
Về cách tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp nước ta còn chưa xây dựng được chiến lược cụ thể và dài hạn, do vậy việc trao đổi và hợp tác chưa được như mong đợi và kỳ vọng của Chính phủ hai nước;
Đều là các nước có thế mạnh về hàng nông sản và thực phẩm chế biến, cơ cấu sản phẩm lại không cạnh tranh trực tiếp với nhau nhưng cả Việt Nam và Ma-rốc đều chưa tận dụng được thế mạnh của nhau. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu từ nhóm hàng điện thoại và linh kiện, các mặt hàng nông sản chủ lực tăng trưởng không đáng kể và thiếu ổn định, sản phẩm xuất thô là chủ yếu với giá trị gia tăng thấp.
Với tình hình như hiện nay, dự báo triển vọng quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Ma-rốc trong năm 2016 chưa có dấu hiệu tăng trưởng mang tính đột phá. Nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn xúc tiến thương mại Ma-rốc hồi tháng 3/2015, Lãnh đạo Bộ Công Thương hai nước đã thống nhất, các cơ quan hữu quan hai bên cần kiện toàn khung pháp lý, rà soát lại các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, đầu tư, tài chính, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu, nắm bắt cơ hội hợp tác kinh doanh.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng truyền thống sang thị trường Ma-rốc với số lượng, chủng loại, mẫu mã đa dạng và phong phú hơn, đồng thời xuất khẩu thêm một số mặt hàng mới. Các doanh nghiệp hai nước có thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại do các cơ quan hữu quan hai bên tổ chức như Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, Cục xúc tiến thương mại (Vietrade), Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Ma-rốc (Maroc-Export) vv.
Cao Minh Tú