Trong năm 2023, Việt Nam thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16,14 nghìn tấn. Giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 6.376 USD⁄tấn. Trong cả năm 2023, Ấn Độ và Trung Quốc giữ vai trò là 2 thị trường lớn nhất với 7,86 nghìn tấn và 4,12 nghìn tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị trường xuất khẩu.
Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt 1,48 nghìn tấn với kim ngạch đạt hơn 7 triệu USD, tăng mạnh 48,3% so với tháng trước. Cũng trong tháng 4, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam với 1,03 nghìn tấn, chiếm 69,8% tỷ trọng và tăng đến 60% so với tháng trước.
Tinh chung 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 3,92 nghìn tấn hoa hồi với tổng kim ngạch đạt 20,3 triệu USD; trong đó, Ấn Độ và Hoa Kỳ là 2 thị trường xuất khẩu chính với lần lượt 2,41 nghìn tấn và 295 tấn.
Hiện nay sản phẩm quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm lần lượt khoảng 50% và 25% tỷ trọng.
Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 - 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32,65 nghìn tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.
Một trong những tín hiêu tích cực là hiện này ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.