Trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc gặp khó khăn, việc tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường nhỏ được coi là niềm hy vọng cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
7 tháng đầu năm 2023, sản lượng cá tra của Việt Nam tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm trước (YoY), lên mức 922.000 tấn. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 37% YoY, đạt 1 tỷ USD.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế ngành cá tra 2023 do VASEP tổ chức ngày 24/8, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian qua.
Một, nền kinh tế thế giới suy giảm khiến nhu cầu mặt hàng này sụt giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc trong khi đây vốn là 3 thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Các thị trường khác cũng đối mặt với lạm phát khiến tiêu thụ sụt giảm.
Mặt khác, nửa đầu năm 2022, khi nền kinh tế các nước phục hồi sau đại dịch Covid, các doanh nghiệp đã ồ ạt nhập khẩu với kỳ vọng tăng doanh số xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nửa cuối năm 2022. Nhưng trái với dự đoán, lượng tiêu thụ cá tra không đạt như kỳ vọng khiến lượng tồn kho tăng cao và kéo dài đến đầu năm 2023.
“Hệ lụy là giá nhập khẩu cũng bị cạnh tranh với hàng tồn kho khiến mặt hàng cá tra mới cũng bị cạnh tranh về giá tại các thị trường”, bà Hằng cho biết.
7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra ghi nhận sụt giảm về trị giá ở cả 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 32% YoY về kim ngạch, còn 325 triệu USD; Mỹ giảm tới 59%, xuống mức 159 triệu USD; EU với -22% YoY, đạt 101 triệu USD; Brazil với -16%, đạt 47 triệu USD và thị trường Anh giảm 16%, đạt 40 triệu USD.
Theo bà Hằng, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam rất kỳ vọng vào yếu tố cầu tăng sau khi Trung Quốc mở cửa, tuy nhiên thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm tới hơn 30%. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, khiến tiêu dùng tại thị trường này sụt giảm.
Dù vậy, nhìn theo chiều hướng tích cực, mức sụt giảm kim ngạch cá tra tại thị trường Trung Quốc đang ít dần, từ -65% YoY trong tháng 1 còn -30% vào tháng 5 và xuống mức -7% vào tháng 7/2023. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu cá tra vào thị trường này sẽ hồi phục vào các tháng cuối năm khi nền kinh tế Trung quốc khả quan, người tiêu dùng thích nghi dần với bối cảnh mới sau Covid.
Đối với thị trường Mỹ, hiện Việt Nam là nhà cung cấp số một về cá tra nhập khẩu cho Mỹ khi chiếm tới 91% tổng sản lượng nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm, Mỹ lại là thị trường kém lạc quan nhất của ngành cá tra Việt. Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với sự suy giảm, lạm phát ở mức cao, tồn kho cá tra của các nhà nhập khẩu, tất cả các yếu tố này đã đưa lượng và trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ giảm tới gần 60%.
Theo bà Hằng, điểm sáng trong bức tranh năm 2023 là việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Đây được coi là niềm hy vọng của các doanh nghiệp cá tra khi đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn truyền thống. Điển hình như xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25% YoY; xuất khẩu sang Phần Lan cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; New Zealand +17%; Thụy Điển với 25%, Singapore tăng nhẹ 1%.
Dự báo các tháng cuối năm 2023, VASEP cho rằng xuất khẩu cá tra quý 3 sang Mỹ có thể chững lại. VASEP kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục tốt hơn về nhu cầu, xuất khẩu cá tra có thể cao hơn nửa đầu năm 2023. Do đó, dự báo cả năm 2023 xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 32% so với năm 2022.
Tại hội thảo, ông Arno Willemink – Giám đốc điều hành De Heuscho cũng đưa ra 3 yếu tố quan trọng chính sẽ tác động đến tiềm năng tiêu thụ ngành cá tra thời gian tới, bao gồm tính bền vững, tính minh bạch và vấn đề truy xuất nguồn gốc, xu hướng này sẽ diễn ra ở cả tại thị trường Mỹ và EU.
Ông Willemink cho rằng cá tra với giá thành rẻ đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên (khi sản lượng khai thác giữ ổn định, không tăng theo các năm). Mặt khác, EU và Mỹ vẫn ưa chuộng cá tự nhiên hơn nên tiêu thụ cá tra có thể tăng trưởng ở những khu vực khác.