| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thanh long trở lại vị trí dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu rau quả

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả hiện đã có sự thay đổi bất ngờ lớn về loại quả giữ vị trí dẫn đầu. Theo đó, xuất khẩu sầu riêng - loại quả vốn được mệnh danh là loại quả tỷ USD - giảm mạnh xuống chỉ giữ vị trí thứ 3. Thanh long và chuối dần chiếm giữ vị trí đứng đầu kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm.

Cụ thể, riêng tháng 2, xuất khẩu thanh long đạt 35 triệu USD, chiếm 13,6 % trong tỷ trọng xuất khẩu rau quả. Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu thanh long đạt 93,8 triệu USD, chiếm 14,3 % tỷ trọng.

Những năm trước, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu chuối tháng 2 cũng có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 40,8 triệu USD, tăng 32% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đạt 71,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng trên 10% trong toàn ngành rau quả.

Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng trong tháng 2 chỉ đạt 21,4 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 21,4 triệu USD, giảm đến 69% so với cùng kỳ, và chỉ chiếm 7,6% trong tỷ trọng xuất khẩu rau quả. Riêng thị trường số 1 là Trung Quốc giảm đến 83%, còn 27 triệu USD.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng sụt giảm là do từ đầu năm nay, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ 95% sản lượng sầu riêng nước ta - bất ngờ yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cũng phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%, do nhiều lần không tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Thống kê của Cục Hải quan cho thấy, năm 2024, sầu riêng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất khi thu về 3,21 tỷ USD, chiếm gần 45% tổng giá trị trong ngành rau quả.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu thanh long đang phục hồi mạnh giúp loại trái cây này lấy lại vị thế. Hiện mỗi kg thanh long ruột trắng duy trì mức giá cao, thương lái thu mua tại vựa với giá 30.000-35.000 đồng/kg đối với loại I; 28.000 đồng/kg đối với loại II; 23.000-24.000 đồng đối với thanh long loại III.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, những năm trước, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả.

"Năm 2018, kỷ lục cao nhất mà quả thanh long mang lại cho Việt Nam là gần 1,3 tỷ USD, nhưng sau đó giảm dần và mất mốc xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2022. Vào thời gian Nhật có nghị định thư cho nhập chính ngạch thanh long Việt Nam, trái cây này được phục hồi, tuy nhiên khi xuất khẩu sầu riêng bứt phá thì thanh long đứng sau thứ hạng trái cây "vua"", ông Đặng Phúc Nguyên thông tin.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, trên thế giới thanh long được mệnh danh là "siêu trái cây" bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người. Thanh long được yêu thích tại thị trường Trung Quốc, 90% thanh long nhập khẩu của Trung Quốc là thanh long Việt Nam.

Ngày 11/4 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Hoàng Trung dẫn đầu đã đã làm việc với Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, để sớm mở cửa thị trường trái cây tươi giữa hai nước. Đại diện phía Việt Nam đã đề nghị cơ quan chức năng phía Mỹ chấp nhận biện pháp xử lý hơi nước nóng đối với thanh long, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ gần 10% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Nếu được chấp thuận phương pháp xử lý mới, lượng thanh long sang Mỹ có thể tăng mạnh.

Vietnamexport tổng hợp

Nội dung liên quan